Quảng Bình có 143,1 ha cây dược liệu - Ảnh minh họa. |
Tiềm năng để phát triển
Với vị trí địa lý đặc thù, hơn 2/3 diện tích rừng và đất lâm nghiệp là điều kiện thuận lợi để cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng sẽ có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 143,1 ha trồng dược liệu, trong đó diện tích trồng cây dược liệu hàng năm khoảng 96 ha, còn cây dược liệu lâu năm khoảng 47,1 ha. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để lựa chọn và tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất dược liệu. Triển khai thực hiện trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP) nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu. Với điều kiện tự nhiên đa dạng, các loài cây dược liệu ở vùng gò đồi, dưới tán rừng tự nhiên rất phong phú, tạo nên tiềm năng lớn cho tỉnh Quảng Bình trong việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở vùng gò đồi và dưới tán rừng, cả trong việc bảo tồn phát triển các diện tích tự nhiên và thực hiện trồng mới các loài quý hiếm, có giá trị về kinh tế.
Các loại dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của huyện được chú trọng phát triển. Một số mô hình trình điểm bước đầu cho thấy hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của bà con nông dân và mở ra một hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đánh thức tiềm năng
Bằng tầm nhìn chiến lược, ngày 26/7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 67/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đưa cây dược liệu vào danh mục trồng ưu tiên phát triển, vùng nguyên liệu tập trung tại những khu vực vùng rừng núi và vùng gò đồi. Đồng thời, thông qua Quy hoạch, tỉnh sẽ có định hướng thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cây dược liệu.
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình có các chương trình, dự án đề xuất ưu tiên trên địa bàn từ nay cho đến năm 2030 với tổng số vốn 120 tỷ đồng như dự án trồng cây dược liệu (Lá khôi, Xạ đen, Sa nhân, Đinh lăng...) dưới tán rừng tự nhiên, giao cho các cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Dự án trồng và sản xuất cây dược liệu sâm Bố Chính tại xã Lý Trạch của Công ty TNHH Tuệ Lâm (quy mô 50 ha), hiện đã có quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện và đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng. Hỗ trợ trồng các cây dược liệu hàng năm như Nghệ, Gừng, Sả, Cà gai leo… tại các xã vùng gò đồi địa bàn các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch.
Dược liệu của công ty TNHH Đông Dược Văn Hương đang phân phối và bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Bình - Ảnh minh họa. |
Khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm nằm trong danh mục cần bảo vệ, bảo tồn và trồng bổ sung khoảng 15 loại dược liệu tại các vùng sinh thái với quy mô 500 ha tại địa bàn huyện Quảng Ninh. Đồng thời, tỉnh Quảng Bình tiến hành bảo tồn ngoại vi khoảng 8 giống dược liệu làm vật liệu phục vụ cho công tác chọn giống, trồng bổ sung tại các khu vực bảo tồn và kinh doanh giống thương mại, quy mô khoảng 2 ha tại huyện Quảng Ninh. Ngoài ra, phát triển 200 ha dược liệu trồng dưới tán rừng phòng hộ, sản xuất trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.
Đối mặt những khó khăn
Trong quá trình trồng, chế biến và sản xuất dược liệu ở Quảng Bình còn vấp phải những khó khăn, thử thách to lớn từ khách quan đến chủ quan ảnh hưởng đến việc phát triển ngành dược liệu nơi đây. Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương chưa quyết liệt, đặc biệt là quy hoạch, định phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị cây dược liệu còn hạn chế, chưa tạo được sản phẩm có tính hàng hóa. Một số địa phương trong vùng đang phải đối mặt tình trạng khai thác, phát triển dược liệu thiếu sự quản lý, quy hoạch. Sản xuất dược liệu trên bàn còn manh mún, nhỏ lẻ nên công tác kiểm soát về an toàn sản phẩm sau chế biến và tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn.
Tri thức sử dụng cây thuốc chưa được tư liệu hóa do nhiều nguyên nhân trong khi người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa ý thức việc lưu giữ kinh nghiệm làm thuốc. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị chưa đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu. Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất còn chậm. Ngân sách đầu tư cho phát triển, mở rộng quy mô cây dược liệu chưa đáp ứng yêu cầu và tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa kích thích phát triển sản xuất; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, quản lý chất lượng nông sản, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường... chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Cây dược liệu: Tiềm năng vàng chờ khai phá |
Tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở miền núi phía Bắc |
Bụp giấm: Cây dược liệu chữa bệnh và tăng cường sức khỏe |