Gà, lợn nuôi bằng cám thảo dược và nước sâm có sức đề kháng tốt, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90% đối với gà và 100% đối với lợn - Ảnh minh họa. |
Sâm Nam núi Dành, đặc sản nổi tiếng của Bắc Giang, đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Không chỉ củ và hoa sâm mang lại giá trị kinh tế cao, các hợp tác xã tại đây còn tận dụng triệt để phụ phẩm từ loại dược liệu quý này để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tạo ra hiệu quả kinh tế và môi trường đáng kể.
Trước đây, thân, lá và bã sâm sau khi chiết xuất thường bị bỏ đi, gây lãng phí. Nay, các hợp tác xã đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi từ chính những phụ phẩm này. Cụ thể, thân, lá, bã sâm được thu mua, phơi khô, nghiền nhỏ hoặc nấu thành cao để bảo quản. Sau đó, chúng được kết hợp với các loại ngũ cốc như ngô, khoai, sắn, đậu tương, bột cá, cám gạo cùng các loại thảo dược khác như xả, lá sắn dây, tía tô, chùm ngây, đinh lăng, cỏ mần trầu, cỏ xước... để ép thành thức ăn dạng viên. Nước sắc từ thân và lá sâm cũng được sử dụng làm nước uống cho vật nuôi.
Thực tế cho thấy, gà, lợn nuôi bằng cám thảo dược và nước sâm có sức đề kháng tốt, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90% đối với gà và 100% đối với lợn. Vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, thịt thơm ngon, giá bán cao hơn từ 20-30% so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Đáng chú ý, quy trình chăn nuôi này không sử dụng kháng sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Mô hình chăn nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Với 1.000 con gà/lứa, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi 70 triệu đồng. Đối với lợn, mỗi lứa 100 con, lợi nhuận thu về lên đến 200 triệu đồng.
Việc tận dụng phụ phẩm sâm không chỉ giảm chi phí thức ăn chăn nuôi mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới xanh sạch. Với diện tích trồng sâm Nam núi Dành ngày càng mở rộng, mô hình chăn nuôi này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nông dân Bến Tre "treo chuồng" |
Mô hình chăn nuôi bò: "Đòn bẩy" kinh tế cho người dân Hiệp Hòa |
Chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ và chứng nhận OCOP: Mô hình cần được nhân rộng |