![]() |
EU yêu cầu nông sản nhập khẩu phải đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL) nghiêm ngặt, đồng thời tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm có nguy cơ cao - Ảnh minh họa. |
EU yêu cầu nông sản nhập khẩu phải đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL) nghiêm ngặt, đồng thời tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm có nguy cơ cao. Chứng nhận kiểm dịch thực vật là bắt buộc đối với hầu hết các loại nông sản tươi, đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Mặt hàng mật ong cũng chịu sự điều chỉnh bởi Chỉ thị Mật ong mới, với các quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ và kiểm tra chất lượng bằng công nghệ tiên tiến.
Thực tế cho thấy, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, thanh long, đậu bắp và ớt, đã bị cảnh báo vì vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU.
Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU không chỉ giúp nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường này mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Để vượt qua rào cản kỹ thuật và chinh phục thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến chế biến và bảo quản, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và bền vững cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và cập nhật thông tin về các quy định mới của EU, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xuất khẩu. Việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế cũng là cách hiệu quả để quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường.
Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và khẳng định vị thế trên thị trường EU, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.