![]() |
Ảnh minh họa. |
Nông sản Việt loay hoay tìm đường “xuất ngoại”
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 53 tỷ USD, tăng trưởng 1,9% so với năm 2022. Các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, rau quả, cà phê, thủy sản… đều có sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022, đặc biệt là sự bứt phá của sầu riêng với kim ngạch 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước xuất khẩu nông sản khác là một trong những thách thức lớn nhất. Ví dụ, sự cạnh tranh từ Thái Lan và Ấn Độ trong xuất khẩu gạo. Yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản nhập khẩu, cũng là một thách thức không nhỏ. Thêm vào đó, sự biến động của thị trường thế giới do ảnh hưởng của các yếu tố như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị… gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam, ví dụ như những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, còn nhiều hạn chế. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2018, tổng vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 3,5 triệu USD với 514 dự án, chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư lũy kế vào ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy sự tham gia của FDI vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, còn rất hạn chế.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, đảm bảo nguồn cung ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường cao hơn so với nông nghiệp truyền thống, khiến cho sản phẩm hữu cơ khó cạnh tranh về giá cả. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và vận hành chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ cũng là những rào cản lớn.
Làm sao để có “visa” cho nông sản Việt?
Để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần linh hoạt với những hướng đi mới. Trước hết, cần đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Thay vì chỉ xuất khẩu nông sản thô, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nổi bật trên thị trường, Công ty Vinamit đã thành công trong việc chế biến mít sấy, chuối sấy, khoai lang sấy; đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh, giúp kéo dài thời gian bảo quản mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc chế biến sâu giúp tăng giá trị nông sản lên 2-3 lần so với xuất khẩu thô.
![]() |
Khách hàng tham quan và tìm hiểu về sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Natural Products Expo West 2025. |
Trong khi đó, nông nghiệp công nghệ cao nhất là nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Điển hình, Tập đoàn TH True Milk đã xây dựng các trang trại bò sữa hữu cơ, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất sữa tươi, hay Công ty Đà Lạt GAP đã áp dụng công nghệ nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 495.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, chiếm 0,69% diện tích sản xuất hữu cơ của thế giới.
Để thu hút các doanh nghiệp FDI tham gia vào chuỗi phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cần cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn và các chính sách ưu đãi. Tại địa phương nổi bật trong công tác phát triển nông nghiệp như Lâm Đồng, chính quyền địa phương đã triển khai mô hình “cửa một cửa” để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Tại An Giang, chính quyền đã xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ và các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất để thu hút các nhà đầu tư.
Xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là công việc mà các doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận. Thương hiệu là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, năng lực tiếp thị và bán hàng. Gần đây, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019, hay Công ty Vinafruit đã xây dựng thành công thương hiệu xoài cát chu Cao Lãnh. Các doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế như hội chợ SIAL Paris, hội chợ FOODEX Japan… để quảng bá thương hiệu và tìm kiếm đối tác.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác. Nhờ sự thúc đẩy của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh… Việt Nam cũng đã mở rộng xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc như sầu riêng, chanh leo, chuối…
Cuối cùng, tăng cường liên kết chuỗi giá trị là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu nông sản. Các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với các hộ nông dân, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà phân phối… để tạo ra chuỗi giá trị nông sản bền vững. Tiêu biểu, Công ty VinEco đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, cung cấp giống, phân bón… Mô hình liên kết chuỗi giá trị giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn cung ổn định. Với những hướng đi mới này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng để phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.