Tiền Giang hiện có khoảng 2.300 ha nuôi nghêu, tập trung ở các xã ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông - Ảnh minh họa. |
Vùng biển Gò Công với 3 cửa sông lớn đổ ra biển Đông là môi trường lý tưởng cho nhiều loài hải sản sinh sôi. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tạo điều kiện thuận lợi cho các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, sò huyết phát triển mạnh.
Tiền Giang hiện có khoảng 2.300 ha nuôi nghêu, tập trung ở các xã ven biển huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Sản lượng nghêu thu hoạch 10 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 2.540 tấn. Riêng huyện Gò Công Đông có vùng nuôi nghêu 2.200 ha với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 20.000 tấn.
Năm 2023, vùng nuôi nghêu Gò Công Đông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, góp phần nâng cao giá trị nghêu thương phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh nghêu, người dân Gò Công Đông còn nuôi sò huyết với quy mô lớn. Hợp tác xã thủy sản Phú Tân tại huyện Tân Phú Đông đang quản lý 500 ha nuôi sò huyết, 10 tháng đầu năm đã khai thác hơn 7,2 tấn sò huyết giống.
Ngoài ra, hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông cũng chú trọng mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ. Nhiều hộ dân đã áp dụng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao, giúp nâng cao năng suất và chất lượng tôm thương phẩm.
Để hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản hiệu quả, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Địa phương chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi trồng hiệu quả, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu.
Với những nỗ lực này, Tiền Giang đang từng bước phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ven biển, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.