Xuất khẩu thủy sản tháng 9 đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh minh họa. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 9 đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành thủy sản sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu cá ngừ trong 9 tháng đầu năm đạt 715 triệu USD, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá ngừ loin/phile đông lạnh dẫn đầu với kim ngạch 346 triệu USD, tăng 9,6%. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 16,6%, đạt 214 triệu USD.
Đối với mặt hàng cá tra, kim ngạch XK 9 tháng đầu năm đạt 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm cá tra chế biến có sự tăng trưởng vượt bậc 42%, cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24% và cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
Tôm vẫn là mặt hàng chủ lực, đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù xuất khẩu tôm đông lạnh đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá từ Ecuador và Ấn Độ, tôm chế biến của Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng trưởng gần 10% và tôm chân trắng đông lạnh tăng 4,5%. Tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, tôm sú đạt 334 triệu USD.
VASEP tin tưởng rằng, với những kết quả tích cực này, ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 7% so với năm 2023. Cụ thể,xuất khẩu tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD và các mặt hàng cá biển, hải sản khác chiếm phần còn lại.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thủy sản cần tiếp tục tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc chủ động thích ứng với những biến động của thị trường, thách thức từ cạnh tranh quốc tế và các yếu tố bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng đóng vai trò then chốt.
Sầu riêng Việt Nam lên ngôi "Vua xuất khẩu" |
Bến Tre: Từ bảo hộ nhãn hiệu đến xuất khẩu Canada |
Sầu Riêng sẽ thành niềm vui chung của nông sản Việt |