TP Móng Cái hiện có 6.557 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, công tác quản lý ATTP được phân chia rõ ràng theo các lĩnh vực y tế, công thương, và nông nghiệp. |
Tại TP Móng Cái, địa phương này đã củng cố Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ cuối năm 2024. Với 13 chợ và trung tâm thương mại, cùng 6.557 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, công tác quản lý ATTP được phân chia rõ ràng theo các lĩnh vực y tế, công thương, và nông nghiệp. Các hoạt động tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn.
Huyện Đầm Hà cũng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP cho hơn 2.089 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Huyện đã thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất giò chả, bún phở, bánh kẹo và các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trong dịp Tết. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra không chỉ giám sát mà còn hướng dẫn các cơ sở về quy định sắp xếp hàng hóa, bảo hộ lao động, và cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Chỉ riêng tháng 12/2024, cơ quan này đã xử lý 47 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt gần 610 triệu đồng. Tính chung cả năm 2024, đã xử lý 1.068 vụ vi phạm với số tiền phạt lên đến 28 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các sở ngành triển khai các chương trình tuyên truyền, giám sát và kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện, xử lý vi phạm. Các biện pháp như phát tờ rơi, tuyên truyền qua truyền thông được đẩy mạnh, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe thông qua sử dụng thực phẩm an toàn.