![]() |
Ý chí, nghị lực của anh Ngọc Anh khiến nhiều người ngưỡng mộ |
Nghị lực vươn lên của anh nông dân khiếm thị
Chúng tôi tới thăm anh Vũ Ngọc Anh tại tổ dân phố 2, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội vào những ngày tháng tư. Dưới cái nắng nhẹ đầu mùa, nhưng ai nấy đều cảm thấy như được tưới mát bởi vẻ đẹp kiêu sa của hàng trăm cành lan đang khoe sắc. Anh nông dân ngoài 40 tuổi, nhưng lại có nghị lực phi thường vượt lên những bi kịch của cuộc đời khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Theo lời kể thì được biết, nỗi đau đến với anh lúc 9 tuổi, trong một lần bố mẹ vắng nhà, khi đang nghịch chiếc bình gas mini thì chẳng may phát nổ. Sau tai nạn, mắt phải của anh bị tổn thương hoàn toàn, bên mắt còn lại chỉ còn thị lực khoảng 5/10. Dần dần, áp lực quan sát dồn hết vào mắt trái nên thị lực ngày càng yếu hơn, anh nhìn mọi thứ cứ mờ mờ, ảo ảo.
Đi học anh bị các bạn trêu đùa, nên cũng có lúc cảm thấy mặc cảm, sự tự ti về bản thân cứ thế lớn dần. Do đó, anh đã bỏ dở việc học tập và bôn ba khắp nơi với đủ nghề để kiếm sống. Nhưng thị lực ngày càng yếu, không thể làm thuê làm mướn mãi được, nên anh quyết định phải nghĩ cách làm kinh tế trên mảnh đất của chính quê hương mình.
Ban đầu, anh bàn với mẹ sẽ mở trang trại trên mảnh vườn trước nhà. Qua tìm hiểu, anh thấy trồng nấm, nuôi dế…phù hợp với điều kiện sức khoẻ của bản thân. Sau nhiều lần nghe đài phát thanh và nhờ cậu em trai đọc sách về kỹ thuật, sau đó anh bắt đầu vay vốn để lập nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian chàng thanh niên ấy thấy mô hình này đem lại hiệu quả không cao, nên quyết định chuyển sang trồng phong lan.
Quyết tâm làm giàu cho mình, cho đời
Nói về cơ duyên đến với cây phong lan, anh Vũ Ngọc Anh nhớ lại lúc nhỏ hay được đi xem các buổi trưng bày hoa lan cùng người thân. Đặc biệt, kế bên nhà có bác Khánh là hàng xóm làm nghề lái xe đường dài, thỉnh thoảng lại đem về những giỏ hoa lan rừng rất đẹp từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Hoà Bình và cả Phú Thọ…Cứ thế, tình yêu đến với phong lan lớn dần từ bao giờ trong anh không biết. Hiện nay khu Văn Quán, quận Hà Đông có một câu lạc bộ hoa phong lan nhỏ, mọi người hay về sinh hoạt đầm ấm, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, chính vì thế mà và anh cũng học hỏi được rất nhiều từ các bác trong câu lạc bộ nơi đây.
“Lúc đầu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây lan với tôi quả rất khó khăn. Tôi tìm tòi kiến thức từ internet, truyền hình. Nhờ chương trình khuyến nông, tôi biết đến vườn lan của anh Trần Tuấn, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP Hà Nội, anh như người thầy đầu tiên của tôi. Sau đó, tôi tham gia sinh hoạt Hội hoa lan Hà Đông, được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân và mọi người củng cố kiến thức mới từ những trải nghiệm thực tế cho tôi” - anh Ngọc Anh chia sẻ.
Bằng việc tự học hỏi và được sự giúp đỡ của những người đi trước, tỉ lệ hỏng khi nhân giống được giảm tối đa. Từ diện tích ban đầu là 200m2, đến nay sau hơn chục năm diện tích nuôi trồng hoa phong lan của anh Ngọc Anh đã tăng lên khoảng 4.000m2. Anh đầu tư lắp đặt hệ thống giàn treo hai tầng, hệ thống lưới tự động, phun sương tự động, mái nhựa thông minh, lắp đặt nhà kính, phòng bảo ôn để bảo quản hoa.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Vũ Ngọc Anh hiện còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác. Tại vườn lan của anh đang có 5 lao động thường xuyên, còn lao động thời vụ có khoảng 20 người. Vườn của anh hiện có đến 2 nghìn giỏ lan từ lan rừng, địa lan, Hồ Điệp hay đến những giống lan quý, lan Cattleya được nhập khẩu từ Đài Loan…Chỉ cần sờ vào lá là anh Ngọc Anh có thể kể vanh vách tên và đặc điểm của từng loại hoa, bắt bệnh từng cây. Anh còn nuôi cấy tạo ra giống mới đặc trưng. “Trồng lan rất khó và cũng cần có chữ tâm, phải xem cây lan như đứa con tinh thần của mình để chăm sóc”, anh Vũ Ngọc Anh chia sẻ.
Theo anh Vũ Ngọc Anh, cái lợi nhất của người trồng lan là vừa kinh doanh lại có thể tạo ra thú chơi tao nhã. Khu vườn đầy hương sắc của anh ngày nào cũng tấp nập người yêu lan đến thưởng ngoạn, bình phẩm và trao đổi kinh nghiệm trồng lan. “Khi mới bắt đầu, tôi cũng phải nhờ đến các cô chú, anh chị và những bậc tiền bối trong nghề thì mới có kết quả như hôm nay. Nên khi đã may mắn thành công, tôi cũng muốn mọi người coi đây là nơi để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trồng lan, làm giàu bằng sức lao động của mình”, anh Ngọc Anh mỉm cười nói.
Được biết, sắp tới chàng trai khiếm thị ấy có dự định sẽ mở thêm diện tích và nhập nhiều giống lan mới để khu vườn thêm phong phú. Theo anh, phong lan trong nước hiện nay còn ít, chủ yếu là ngoại nhập và giá cả khá đắt đỏ. Trong khi, nước ta được coi là cái nôi của một số chi họ lan lớn. Đặc biệt, khí hậu nhiệt đới rất phù hợp cho lan phát triển. “Tôi thấy nhiều giò phong lan của nước mình rất được ưa chuộng và có nhu cầu lớn trên thị trường. Tôi tin rằng nếu mạnh dạn đầu tư và chăm sóc thì kinh doanh lan là một lĩnh vực thu nhiều lợi nhuận”, anh Ngọc Anh nói.
Câu chuyện về nghị lực, ý chí quyết tâm làm giàu của anh nông dân khiếm thị Vũ Ngọc Anh, đã truyền cảm hứng và thắp lên niềm tin cho nhiều người không may khiếm khuyết vượt lên số phận. Theo ông Tạ Đình Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán, quận Hà Đông cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự vì trên địa bàn phường có một gương điển hình như anh Ngọc Anh, một người công dân cố gắng, phấn đấu vươn lên làm giàu tại mảnh đất quê hương. Ngọc Anh đã được cấp bằng nghệ nhân của Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam năm 2017, bên cạnh đó còn có nhiều thành tích như: Bằng khen của Trung ương Hội người mù Việt Nam; giấy khen và bằng khen của Hội Hoa Lan Hà Đông, Hội sinh vật cảnh TP Hà Nội; bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giấy khen điển hình tiên tiến xuất sắc liên tục 5 năm liền của phường Văn Quán và quận Hà Đông, giấy khen đã có thành tích đóng góp vào sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010 của UBND TP Hà Nội.” |