Sản phẩm miến dong Cai Bộ của Hợp tác xã nông nghiệp Cai Bộ, xóm Kim Bảng, xã Cai Bộ, huyện Quảng Hoà đạt sản phẩm OCOP 3 sao được tiêu thụ trên thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước. Ảnh Quốc Sơn |
Để triển khai Chương trình OCOP đạt được hiệu quả, huyện Quảng Hoà xây dựng kế hoạch thực hiện cả giai đoạn 2020 – 2025 và kế hoạch hàng năm, huy động, phân công nhiệm vụ theo chức năng cho các ngành liên quan của huyện thực hiện. Huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý chương trình các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia chương trình về nội dung, lợi ích chương trình, phương thức tổ chức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi tập trung có lợi thế, đặc trưng theo hướng sản xuất hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP, như: Mía nguyên liệu, sắn, dong riềng, chè… Chú trọng phát triển các sản phẩm làng nghề tiêu biểu có tiềm năng của từng địa phương, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo tồn cảnh quan môi trường, văn hóa truyền thống, sản xuất sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chí chương trình để xây dựng sản phẩm đạt OCOP.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP, huyện, xã tổ chức đánh giá lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, có dư địa phát triển và hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm xây dựng “Câu chuyện sản phẩm”, hỗ trợ đăng ký tham gia chương trình xây dựng hồ sơ, tiến hành thẩm định, đánh giá, chấm điểm các sản phẩm. Sản phẩm công nhận OCOP được phân hạng theo thang điểm Bộ tiêu chí chương trình quy định.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Quảng Hoà có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, với 7 chủ thể HTX, 5 chủ thể tổ hợp tác, 6 chủ thể cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được công nhận OCOP là các nông sản đặc trưng, sản phẩm làng nghề tiêu biểu: Chè Đoỏng Pán; chè Lũng Sâu; dao Phúc Sen Hà Khiêm; miến dong Cai Bộ; bún gạo trắng quê hương; đường phên Bó Tờ; ổi Quảng Hưng; lợn quay Thiên Hảo Hồng Định; nón lá chúp xả Hoàng Diệu; củ cải sấy Phúc Sen; rau dạ hiển Quốc Toản; thạch đen Thu Ngân…
Tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm tiêu thụ hàng năm của Hợp tác xã dao Hà Khiêm, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà tăng cao. Ảnh Quốc Sơn |
Các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP được huyện hỗ trợ đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì, hình thức sản phẩm, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững, huyện Quảng Hoà tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản. Tập huấn cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giúp các chủ thể xây dựng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, mã QRCode, một dạng mã vạch cung cấp thông tin chi tiết sản phẩm. Xây dựng trang Fanpage “Sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP huyện Quảng Hoà” để hỗ trợ chủ thể giới thiệu, quảng bá, xây dựng phát triển thương hiệu, bán sản phẩm hiệu quả, tạo uy tín, lan tỏa thương hiệu sản phẩm ra thị trường…
Theo Chủ nhiệm HTX chè Đoỏng Pán, xã Độc Lập (Quảng Hoà) Triệu Khánh Hoàng, sau khi sản phẩm chè Đoỏng Pán của HTX được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu “ Đông căm trà”, có chỉ dẫn địa lý, bao bì hấp dẫn và được tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh, HTX có cơ hội quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm, đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến Chè Đoỏng Pán hơn. Giá thành sản phẩm cao hơn khi chưa tham gia chương trình OCOP.
Chè Đoỏng Pán, sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã chè Đoỏng Pán, xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà được nhiều khách hàng các tỉnh, thành trong nước tin dùng. Ảnh Quốc Sơn |
Sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc hữu có nguồn gốc, có thương hiệu, mang tính đặc trưng văn hóa và lợi thế địa phương đã tạo điều kiện cho các chủ thể khai thác hiệu quả khách hàng và thị trường tiềm năng. Ông Lương Văn Tùng, thành viên HTX dao Hà Khiêm, xã Phúc Sen cho biết, sản phẩm của HTX có tem sản phẩm OCOP 3 sao, tem QRCode thông tin chi tiết sản phẩm, có logo đóng trên sản phẩm để bảo hành, chống hàng giả, đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, có loại dao được Công ty Trà xanh Hà Đông, Hà Nội nhập bán trong siêu thị của công ty.
“Trước kia, HTX chỉ bán hơn 3.000 sản phẩm/năm, doanh thu gần 300 triệu đồng, từ khi tham gia chương trình OCOP đã bán được hơn 6.000 sản phẩm/năm, doanh thu hơn 600 triệu đồng, thu nhập hàng tháng các thành viên được nâng lên”. Ông Lương Thành Tùng cho biết thêm.
Bà Hà Hồng Yêm, Giám đốc HTX nông nghiệp Cai Bộ, xóm Kim Bảng, xã Cai Bộ cho hay, năm 2023 sản phẩm miến dong của HTX đạt OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ của HTX được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Mình, Đắk Lăk, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang. Sản lượng tiêu thụ từ 7 tấn miến/năm tăng lên 15 tấn đến 20 tấn miến/năm từ khi HTX tham gia chương trình OCOP.
Chương trình OCOP được huyện Quảng Hoà thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng hữu cơ và VietGAP, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân gắn với xây dựng nông thôn mới.