Năng suất địa liền đạt từ 1 - 1,2 tấn củ/sào, giá bán dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 15 triệu đồng/sào/vụ cho người trồng - Ảnh minh họa. |
Với hơn 200 mẫu trồng địa liền, tập trung ở hai thôn Bãi Sậy 1 và Bãi Sậy 2, Tân Dân đang dần khẳng định vị thế là vùng trồng địa liền trọng điểm của huyện Khoái Châu. Loại cây này thuộc họ gừng, được thu hoạch củ sau khoảng 10 tháng trồng. Ưu điểm nổi bật của địa liền là dễ trồng, thích nghi tốt với nhiều loại đất, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc.
Năng suất địa liền đạt từ 1 - 1,2 tấn củ/sào, giá bán dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 15 triệu đồng/sào/vụ cho người trồng. Đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo nhờ sự thu mua của thương lái từ các tỉnh lân cận.
Để nâng cao chất lượng củ địa liền, người dân Tân Dân áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, sử dụng phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Mô hình trồng xen canh địa liền với cây ăn quả cũng được áp dụng phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tận dụng được không gian, dinh dưỡng, vừa hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất.
Ngoài giá trị kinh tế, cây địa liền còn góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Việc trồng địa liền đã và đang tạo ra sinh kế ổn định cho nhiều hộ dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, việc phát triển cây địa liền ở Tân Dân vẫn còn một số hạn chế như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chưa chặt chẽ, giá cả chưa ổn định... Để khắc phục những hạn chế này, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp như: tìm kiếm doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa...