![]() |
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng đem lại hiệu quả kinh tế. |
Hành trình thay đổi tư duy của nông dân
Ở vùng đất xã Trường Hà, huyện Hà Quảng việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp không còn xa lạ với nhiều nông dân. Những mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, những nhà lưới trồng rau, dưa theo công nghệ tưới nhỏ giọt đang thay đổi diện mạo nông nghiệp địa phương.
Gia đình bà Đàm Thị Thảo, xóm Pác Bó, xã Trường Hà là một trong những hộ tiên phong áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tận dụng từ nguồn nước tự nhiên của suối Lê Nin, bà Thảo mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây bể nuôi cá tầm thương phẩm. Tuy nhiên, con đường làm giàu từ cá tầm không hề bằng phẳng. "Lúc đầu, tôi học hỏi mô hình nuôi cá tầm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, rồi đi tìm hiểu các mô hình nuôi cá tầm ở các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Nuôi cá tầm vốn đầu tư ban đầu rất lớn, kỹ thuật chăn nuôi lại khó, nhiều lần mua, vận chuyển cá giống về nhưng bị chết, lắm lúc thấy nản muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến số tiền đã vay mượn, tôi lại quyết định tiếp tục theo đuổi”. Bà Thảo chia sẻ.
Sau nhiều lần thử nghiệm và rút kinh nghiệm, mô hình nuôi cá tầm của gia đình bà Thảo cũng đã thành công, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng. Từ thành công mô hình nuôi cá tầm, gia đình bà Thảo đã có nguồn lực đầu tư vào mô hình trồng dưa trong nhà lưới. Nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, gia đình bà Thảo đã có thể canh tác gối vụ các loại dưa hấu, dưa vàng, dưa lưới, dưa lê bạch ngọc, dưa chuột. Mỗi vụ thu hoạch hơn 3 tấn dưa, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Bà Thảo nhận định “Ai cũng nghĩ khí hậu miền Bắc lạnh, trồng dưa không thích hợp, nhưng dưa trồng ở đây, chất lượng quả ngon không kém gì dưa miền Nam”.
Tại xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, anh Nguyễn Văn Võ cũng là người tiên phong đầu tư mô hình nông nghiệp hữu cơ. Xuất phát từ niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, anh Võ đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để trồng 3.000 m² rau sạch và cây ăn quả hữu cơ trong nhà lưới theo mùa vụ. Sau gần hai năm kiên trì học hỏi và thực nghiệm, mô hình trồng rau, cây ăn quả của anh Võ cho thu hoạch, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh Võ còn hỗ trợ bà con trong vùng làm nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, cung cấp giống cây trồng.
Để mở rộng sản xuất, anh Võ thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Phong với 11 thành viên, tạo việc làm cho 14 lao động địa phương. HTX hiện đã đầu tư mở cửa hàng giới tiệu, bán nông sản an toàn và hướng đến việc mở rộng mô hình đến nhiều huyện trong tỉnh. "Khi mới thực hiện, nhiều người hoài nghi, cho rằng việc tôi đầu tư vào làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nhiều rủi ro, khó thành công, nhưng giờ thì ai cũng thấy rõ hiệu quả, giá trị của nông nghiệp sạch. Tôi mong muốn nhân rộng mô hình, tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững”. Anh Võ chia sẻ.
Ông Nông Thanh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Bằng khẳng định: Trước đây, nông dân chỉ quen với canh tác truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên và kinh nghiệm sản xuất, nay họ đã biết áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như sử dụng hệ thống tưới tự động, kỹ thuật vin cành tạo tán cây ăn quả, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng bệnh cây trồng… Từ đó sản xuất nông nghiệp được tối ưu hoá, giá trị nông sản được nâng cao cả năng suất, chất lượng.
![]() |
Nhiều mô hình trồng nho đen không hạt áp dụng công nghệ cao tại huyện Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. |
Nông nghiệp thông minh - hướng đi bền vững, an toàn
Để thực hiện Đề án Nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh Cao Bằng đang tập trung nguồn lực triển khai công tác quy hoạch vùng sản xuất theo đặc điểm địa phương, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nông trại, gia trại hình thành được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, được áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và thân thiện môi trường.
Bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng nhận định, với Cao Bằng nền kinh tế nông nghiệp vẫn phải là bệ đỡ. Những năm gần đây, các cấp chính quyền rất chú trọng quan tâm chỉ đạo đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Song thách thức lớn nhất hiện nay đối với Cao Bằng là quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ còn khá phổ biến, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, nhất là ở vùng cao, miền núi của tỉnh”.
Để khắc phục những hạn chế, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết giá trị sản xuất kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ vào nông nghiệp, tổ chức nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm qua các hội chợ thương mại nông sản trong nước và quốc tế. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, có năng suất và chất lượng cao nhằm đáp ứng thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Bức tranh nông nghiệp thông minh ở Cao Bằng đang hiện hữu với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế. Thành công bước đầu trong thực hiện nông nghiệp thông minh không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, thực hiện thoát nghèo, tạo ra nông sản đa dạng giá trị cao, còn là hướng đi đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn.