![]() |
Giám đốc Shantanu Chakraborty khẳng định, mục tiêu trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon. Ảnh minh họa. |
Sáng 8/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp và làm việc với Đoàn Công tác Chương trình 2025 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Shantanu Chakraborty khẳng định, mục tiêu trọng tâm của ADB là hỗ trợ ngành nông nghiệp và môi trường của Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, đồng thời đẩy mạnh bảo vệ hệ sinh thái biển và an ninh nguồn nước.
ADB hiện có đầy đủ năng lực tài chính để cung cấp các khoản vay cho Chính phủ và khu vực tư nhân. Trong hai năm qua, ADB đã tăng cường cho vay và kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ NN-MT, củng cố vị thế đối tác chiến lược quốc gia với Việt Nam (2023-2026).
“ADB sẵn sàng hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, đa dạng hóa ngành trồng trọt nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, trong khuôn khổ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030,” ông Shantanu Chakraborty nói.
“Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023 được triển khai thí điểm 3 vụ sản xuất lúa liên tiếp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 ha, với các tiêu chuẩn về giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha; giảm 20% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững; 100% diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao có liên kết với HTX, tổ hợp tác của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm sau thu hoạch được thu gom và tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, Đề án xác định rõ, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người nông dân đạt trên 40%; lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh. |
Về các dự án và hỗ trợ kỹ thuật, ADB đã và đang phối hợp hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng như các địa phương.
Đơn cử như tại Yên Bái, thời gian qua, ADB đã triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng, tăng cường kết nối với cụm dân cư, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và hài hòa với thiên nhiên.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới ADB vì những hỗ trợ thiết thực, tích cực trong thời gian qua đối với ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, mở rộng hợp tác sâu rộng hơn nữa với ADB, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ưu tiên. Hiện nay, một số dự án trọng điểm như ADB-9, ADB-10 và TA-9417 VIE đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chuyển đổi ngành lúa gạo theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, được xem là trọng tâm của Việt Nam. Các nội dung sẽ cần được lồng ghép hiệu quả với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của ADB để nâng cao hiệu quả tổng thể.
“Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch lưu vực sông, đánh giá khả năng chịu tải, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh. Chúng tôi kỳ vọng ADB sẽ đồng hành trong công tác lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng, và có được các biện pháp kịp thời,” ông Duy chia sẻ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ tham vấn kỹ thuật và nguồn lực đầu tư ADB để triển khai các dự án chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng theo hướng xanh, đạt được hiệu quả quản lý chất lượng không khí đô thị và tăng cường sự tham gia của người dân.
![]() Nông dân trồng lúa ở châu Á đang chuyển đổi sang các phương pháp canh tác bền vững hơn để ứng phó với biến đổi ... |
![]() Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với bài toán nan giải về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Trong ... |
![]() Dự án “Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL” đem lại ... |