Các kỹ thuật canh tác mới, như canh tác lúa phát thải thấp, "tưới ướt khô xen kẽ" và sử dụng phân bón hữu cơ, đang được áp dụng rộng rãi - Ảnh minh họa. |
Đối mặt với biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết về một nền nông nghiệp bền vững, người nông dân trồng lúa ở châu Á đang từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống. Từ Ấn Độ đến Việt Nam, làn sóng đổi mới kỹ thuật canh tác đang lan rộng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất.
Các kỹ thuật canh tác mới, như canh tác lúa phát thải thấp, "tưới ướt khô xen kẽ" và sử dụng phân bón hữu cơ, đang được áp dụng rộng rãi. Những phương pháp này không chỉ giúp giảm lượng khí methane thải ra, cải thiện sức khỏe của đất mà còn tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu vào.
Sự chuyển đổi này đặc biệt quan trọng ở châu Á, nơi sản xuất phần lớn gạo của thế giới. Nông dân ở đây đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu, như nắng nóng, bão lũ, gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều tổ chức và chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy canh tác lúa gạo bền vững.
Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, sáng kiến Neorice của AHA Agrochem là một ví dụ điển hình. Quy trình canh tác hữu cơ này giúp giảm đáng kể lượng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật và phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, con đường chuyển đổi sang canh tác bền vững vẫn còn nhiều thách thức. Hầu hết hoạt động trồng lúa ở châu Á vẫn phụ thuộc vào hóa chất và phương pháp truyền thống. Việc thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của nông dân cần có thời gian và sự hỗ trợ từ nhiều phía.