Ðề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 - Ảnh minh họa. |
Ðề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đang được thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố: Ðồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Tại Cần Thơ, mô hình này giúp giảm 2-12 tấn CO2 tương đương/ha, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Tương tự, tại Kiên Giang, chi phí sản xuất giảm 15% và lợi nhuận tăng 32,3% so với canh tác ngoài mô hình. Trà Vinh cũng ghi nhận năng suất tăng, chi phí giảm và lợi nhuận tăng.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích lúa "xanh" còn đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, nhiều địa phương chưa hiểu rõ tiêu chí lựa chọn vùng dự án, dẫn đến việc đăng ký phân tán, không đáp ứng được tiêu chí liền vùng, khoảnh lớn.
Hạ tầng tưới tiêu cũng là một vấn đề cần quan tâm. Mặc dù một số hợp tác xã có thể chủ động tưới tiêu theo quy trình ngập khô xen kẽ (AWD), nhưng nhiều nơi vẫn phụ thuộc vào thủy triều, gây khó khăn trong việc kiểm soát nước khi mưa lớn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng diện tích, đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng tưới tiêu.
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Nguồn lực đầu tư cũng cần được đảm bảo, bao gồm cả nguồn ngân sách và tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ðể lúa "xanh" thực sự phát triển bền vững, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đến người nông dân. Việc mở rộng diện tích phải dựa trên cơ sở khoa học, bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.