![]() |
Tuyên Quang hiện có 5.424 ha cam các loại - Ảnh minh họa. |
Tuyên Quang hiện có 5.424 ha cam các loại, và giai đoạn cây cam đang ra lộc non hiện nay đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng quả sau này. Để đảm bảo chất lượng và mẫu mã cho vụ cam tiếp theo, người trồng cam trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau thu hoạch, cây cam cần nhiều dưỡng chất để phục hồi. Nếu không được chăm sóc kịp thời và đúng kỹ thuật, sẽ ảnh hưởng đến mùa thu hoạch năm sau. Thời tiết thất thường hiện nay khiến cây cam dễ bị sâu bệnh như nhện đỏ, rệp, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh kẹo lá, loét lá... Các vườn cam lâu năm thường mắc bệnh vàng lá thối rễ. Sau khi cây hồi phục, cần sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng trực tiếp, hạn chế tổn thương bộ rễ, loại bỏ cây bệnh nặng. Giai đoạn này, cây chuẩn bị nở hoa, đậu quả, vì vậy việc thăm vườn thường xuyên để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh là rất quan trọng.
Hiện nay, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp chăm sóc cam theo hướng VietGAP và hữu cơ, mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều diện tích cam trồng mới đều được chăm sóc theo hướng hữu cơ để tránh cây bị chết do nghẽn rễ, đất bạc màu...
Chăm sóc cam theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tốt cho cây và đất, mà còn bảo vệ sức khỏe người chăm sóc, người tiêu dùng và môi trường. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi đầu tư lớn về kinh tế và công sức chăm sóc.
Chăm sóc chủ động, chuyển đổi theo hướng an toàn và sạch đang được nhiều chủ vườn cam trong tỉnh thực hiện với mong muốn đem lại quả cam ngon, đẹp nhất cho vụ cam tới, đồng thời nâng cao thu nhập.