Từ hơn 1.700 thửa ruộng manh mún, sau dồn đổi, Nam Hải chỉ còn 58 thửa ruộng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động - Ảnh minh họa. |
Nam Hải từng là thôn thuộc tốp cuối của xã, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với những khó khăn cố hữu như: ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp. Nhận thức được điều này, Ban cán sự thôn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra những giải pháp phù hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Một trong những "chìa khóa" quan trọng mở ra sự thay đổi cho nông nghiệp Nam Hải chính là dồn điền đổi thửa. Từ hơn 1.700 thửa ruộng manh mún, sau dồn đổi, Nam Hải chỉ còn 58 thửa ruộng lớn. Việc chuyển đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Cùng với dồn điền đổi thửa, Nam Hải còn mạnh dạn đưa những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân của thôn đã tăng từ 52 tạ/ha lên 55 tạ/ha.
Bên cạnh sản xuất lúa, Nam Hải còn chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp. Rau màu là một trong những sản phẩm cho thu nhập cao của người dân với tổng diện tích gần 10 ha.
Nam Hải cũng là thôn đi đầu trong việc kết nối với các đơn vị xuất khẩu lao động, tạo điều kiện cho người dân đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động đã góp phần cải thiện đời sống, đồng thời bổ sung vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Những thành quả đạt được trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng đưa Nam Hải trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9%.