Từng có 15 năm làm công chức tại huyện Đakrông và Vĩnh Linh nhưng vốn có đam mê, tâm huyết với nông nghiệp công nghệ cao, sau thời gian dài tìm hiểu về mô hình này thì chị đã lên kế hoạch, nắm bắt thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, đơn vị xây dựng, nguồn cung cấp trang thiết bị và đặc biệt là nhân lực cần thiết để cho ra đời Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.
“Sau khi khảo sát thì chúng tôi thấy đất đỏ bazan ở thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Lúc đó, khu đất này người dân chủ yếu trồng cây cao su. Để có mặt bằng gần 4ha lập trang trại như hiện nay, chúng tôi đã đến từng nhà thuyết phục, thương lượng để người dân chuyển giao quyền sử dụng đất cho. Sau khi có đủ mặt bằng, chúng tôi đã lên phương án cải tạo và chuyển đổi sang đất hữu cơ bằng phương pháp canh tác nhiều loại cây ngắn ngày như: Rau khoai, củ cải, dâu tây… với thời gian cần thiết giúp đất có thời gian nghỉ đúng quy định về sản xuất hữu cơ”, chị Trần Thu Trang thông tin.
Sau gần 1 năm bắt tay vào xây dựng trang trại Dfarm, năm 2020, hệ thống 10 nhà lưới hiện đại có diện tích hơn 5.000m2 của trang trại Dfarm Quảng Trị được hình thành với thiết kế theo đúng tiêu chuẩn từ nguồn nguyên liệu, thiết bị nhập từ nước ngoài bao gồm: Khung thép chịu lực; lớp màng nilon, lưới chắn côn trùng; hệ thống tưới tự động; châm phân, bón phân độc lập… nhằm đảm bảo trang trại hoạt động với công nghệ xử lý đất bằng cách ủ nhiệt của Nhật Bản, đến công nghệ phân hữu cơ vi sinh của Mỹ, công nghệ tưới của Israel.
Chị Thu Trang cho biết cùng với vật lực, thì nhân lực là thành phần không thể thiếu cho một trang trại công nghệ cao. Nhằm đảm bảo quy trình sản xuất đạt hiệu quả tốt, Dfarm Quảng Trị mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cùng các kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản, từ đó tập trung trồng những giống cây mới, cao cấp để tạo ra sản phẩm độc đáo. Hiện tại trang trại đang chọn 2 loại cây chủ lực gồm dưa lê, dưa lưới đưa vào sản xuất vì những loại trái cây đang được thị trường ưu chuộng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố miền Bắc bởi hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Ngoài ra, trang trại còn trồng các loại cây khác như: Táo xanh, dưa đỏ da đen…
Là đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ: TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2: 2017, hiện nay với diện tích 1.000m2 trồng dưa lê, trang trại Dfarm Quảng Trị sẽ cho sản lượng 4 tấn/ năm; 4.000m2 dưa lưới có sản lượng 18 tấn/năm với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg, mỗi năm trừ mọi chi phí, trang trại Dfarm Quảng Trị thu về gần một tỉ đồng.
Cùng với niềm đam mê nông nghiệp sạch, sự bền bỉ theo đuổi mục tiêu đề ra, chị Thu Trang đã đưa “đứa con tinh thần” Dfarm Quảng Trị ngày càng trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến, qua đó đưa nông sản Quảng Trị đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.