![]() |
Mộc Châu là địa phương có diện tích trồng mận hậu lớn nhất tỉnh, với gần 3.500 ha - Ảnh minh họa. |
Thời điểm này, những vườn mận hậu trên cao nguyên Mộc Châu đang bước vào thời kỳ đậu quả. Nắm bắt tiết trời ấm áp, người dân đang tập trung chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước và đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh cho cây mận, với hy vọng nâng cao tỷ lệ đậu quả và hướng đến một vụ mùa bội thu.
Mộc Châu là địa phương có diện tích trồng mận hậu lớn nhất tỉnh, với gần 3.500 ha. Những ngày này, khắp các vườn mận, không khí lao động trở nên nhộn nhịp. Người dân tranh thủ từng giờ để chăm sóc cho những cây mận đang kỳ phát triển.
Công việc chăm sóc mận hậu khá phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao. Từ việc bón phân, tưới nước sao cho đúng cách, đến việc tỉa cành, tạo tán để cây nhận đủ ánh sáng, tất cả đều cần sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Đặc biệt, việc phòng trừ sâu bệnh hại là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng của quả mận.
Năm nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây mận. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, người dân Mộc Châu đã chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp, giúp cây mận phát triển ổn định và khỏe mạnh.
Tại các thung lũng mận nổi tiếng như Nà Ka, việc chăm sóc mận hậu càng được chú trọng hơn. Các hộ dân không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật mà còn tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động để đảm bảo độ ẩm cho đất, đồng thời giúp tiết kiệm nước và công sức.
Ngoài việc chăm sóc, người dân Mộc Châu cũng rất quan tâm đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Nhiều hộ đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị để tiêu thụ mận hậu. Bên cạnh đó, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream trên mạng xã hội cũng được nhiều người áp dụng, giúp mở rộng kênh tiêu thụ và tăng thu nhập.