Việc gốm Chăm Sơn Hòa và bò một nắng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống tại huyện Bắc Bình - Ảnh minh họa. |
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, không khí sản xuất tại các làng nghề truyền thống ở Bình Thuận trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại làng gốm Chăm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, những sản phẩm gốm tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Còn tại xã Phan Hòa, hương thơm của thịt bò một nắng lan tỏa khắp các thôn xóm, báo hiệu một mùa Tết đủ đầy.
Từ những khối đất sét vô tri, người dân làng gốm Chăm Bình Đức đã thổi hồn vào tạo nên những sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo như rùa long quy, linga yoni, tháp nước Bình Thuận, tháp Chăm, bình hoa, thuyền thúng, con cá… với kích thước nhỏ gọn, phù hợp làm quà lưu niệm cho du khách.
Gốm Chăm Sơn Hòa không chỉ được bày bán tại các khu du lịch, resort ở Mũi Né mà còn được người dân mang đi trình diễn tại di tích tháp Pô Sah Inư, TP. Phan Thiết trong các dịp lễ, Tết, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Bên cạnh gốm Chăm, bò một nắng cũng là một đặc sản nổi tiếng của huyện Bắc Bình. Với bí quyết chọn thịt tươi, ướp gia vị đậm đà và phơi nắng tự nhiên, sản phẩm bò một nắng đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất.
Nhờ chất lượng vượt trội, bò một nắng cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản lượng tiêu thụ trong dịp Tết tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Việc gốm Chăm Sơn Hòa và bò một nắng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống tại huyện Bắc Bình. Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn chú trọng lồng ghép văn hóa địa phương vào sản phẩm, tạo nên những câu chuyện sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách.