Tính đến năm 2024, cả nước có trên 120 ngàn ha chè, được trồng tại 34 tỉnh thành với sản lượng hàng năm đạt hơn 1,2 triệu tấn chè búp tươi, tập trung chủ yếu ở khu vực Miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên… |
Theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế thì chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt là chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Oolong Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài... Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là các sản phẩm nổi tiếng này khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng phần lớn lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân chính là do khâu quảng bá của chúng ta rất hạn chế, thông tin sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
Thực tại ngành chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững đã có rất nhiều các đơn vị áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế và hầu hết các đơn vị sản xuất đã nhận thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như khó khăn thách thức về các rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu áp dụng. Mặt khác tại thị trường nội tiêu sản lượng tiêu dùng sản phẩm ngày càng tăng, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt uy tín và có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, Việt nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng. Đặc biệt Việt Nam còn sở hữu gần 20 ngàn ha chè Shan rừng. Nhiều vùng chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như Suối Giàng Yên Bái, Hà Giang, Tà Xùa - Sơn La..
Phát biểu tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao”, tổ chức ngày 5/11/2024, Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng và sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Chè nước ta được xuất đến trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững với nhiều đơn vị sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đa số các doanh nghiệp chè hiện nay đều ý thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như thách thức từ các rào cản kỹ thuật ở thị trường nhập khẩu. Đồng thời, thị trường nội địa cũng ghi nhận sản lượng tiêu dùng ngày càng tăng khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm có chất lượng, uy tín và nguồn gốc rõ ràng.
Trong thời gian qua, Hiệp hội chè Việt Nam và các tỉnh cũng đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam cũng như của từng địa phương. Cụ thể như, Xây dựng nhãn hiệu chè Việt Nam, được đăng ký trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ; Nhãn hiệu tập thể chè shan tuyết vùng cao (Snowshan), được đăng ký ở 17 quốc gia; Xây dựng các phim giới thiệu về các vùng chè Việt Nam; Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế;...
Bên cạnh những địa phương và đơn vị đã và đang thực hiện tốt việc xây dựng uy tín cho người tiêu dùng và khách hàng trong và ngoài nước thì ngành chè vẫn còn phần lớn các doanh nghiệp và hợp tác xã chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất vẫn chạy theo số lượng, giá rẻ, không liên kết sản xuất hoặc liên kết hình thức và thiếu kiểm soát về an toàn thực phẩm.
Thực trạng liên kết yếu, nếu không muốn nói tiêu cực hơn là dìm nhau, phá nhau dẫn đến vấn đề nội tại của ngành chè là cạnh tranh nội bộ không lành mạnh từ nguyên liệu đầu vào đến giá bán sản phẩm. Quy hoạch, quản lý cũng đang có vấn đề, hạn chế khi nhà máy chế biến không gắn với vùng nguyên liệu. Số lượng và công suất chế biến của các cơ sở chế biến lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng nguyên liệu. Cả nước có trên 80% diện tích chè phân tán trong các hộ nông dân, manh mún, nhỏ lẻ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác còn thấp. Chưa phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động. Đầu tư thấp, chất lượng nguyên liệu thấp, giá trị thấp, chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng lợi thế về trồng chè và có nhiều vùng chè đặc sản chất lượng tốt đang được khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm là chìa khóa để xây dựng thương hiệu. Kinh nghiệm ngành chè thế giới đã chứng minh là các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông - công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững, ví dụ như Kenya.
Kinh nghiệm của các địa phương có chè, hoặc có doanh nghiệp chè phát triển là do chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chè duy trì được liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và chế biến, phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Doanh nghiệp và người trồng chè phải cùng có trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, cùng xây dựng thương hiệu và cùng được hưởng lợi từ sản phẩm đem lại. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân, người dân có trách nhiệm với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam. |
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Thực tế hiện nay, ngành chè Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường phát triển. Để ngành chè vượt qua được những khó khăn và thách thức hiện tại, tận dụng được tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết thì sản phẩm phải an toàn, muốn vậy phải tổ chức sản xuất theo chuỗi. Mỗi cá nhân, tổ chức trong chuỗi sản xuất sản phẩm chè phải gắn bó mật thiết trong toàn bộ chuỗi sản xuất theo cấu trúc quản lý thích hợp để kiểm soát được chất lượng và cùng nhau tạo ra giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận cho chính mình.
Có thể thấy, thực hiện tổ chức sản xuất liên kết công - nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị và lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp - Ông Hoàng Vĩnh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tham gia các cuộc thi sản phẩm chè thế giới và khu vực. Xây dựng các video về vùng chè, về sản xuất để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về quy mô sản xuất và quy trình sản xuất an toàn của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế, khẳng định uy tín và chất lượng của chè “made in Vietnam” với nhiều sản phẩm chè đa dạng, phong phú với các dòng sản phẩm chính là chè xanh, chè đen,các sản phẩm từ chè Shan rừng, chè ướp hương và chè Oolong…
Trong tương lai chè Việt sẽ từng bước để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, thay vì xuất khẩu chè thô, giá rẻ thì chúng ta hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng và nâng cao giá bán cho sản phẩm chè. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai mà chúng ta đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó.