![]() |
Văn phòng HTX Hòa Phong trưng bày các sản phẩm OCOP, giúp các hộ sản xuất mở rộng thị trường và đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. |
Bánh tráng Túy Loan – Di sản văn hóa trong sản phẩm OCOP
Bánh tráng Túy Loan từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Đà Nẵng, là niềm tự hào của người dân địa phương và là món quà không thể thiếu của du khách khi đến với thành phố biển.
Bánh tráng Túy Loan không chỉ là một đặc sản mà còn là biểu tượng văn hóa của làng nghề Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Nghề làm bánh tráng tại đây đã trải qua 3 đời và tồn tại hơn 150 năm, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của một làng nghề truyền thống. Đây là làng nghề truyền thống thứ ba của thành phố Đà Nẵng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![]() |
Vượt xa khỏi danh tiếng một món ăn đặc sản, bánh tráng Túy Loan còn là "hồn cốt" của văn hóa ẩm thực Đà Nẵng, là kết tinh của lịch sử, là tinh túy của một làng nghề truyền thống lâu đời. |
Bà Trần Thị Luyện, nghệ nhân làng nghề, chia sẻ rằng bánh tráng Túy Loan vẫn được làm hoàn toàn thủ công, giữ nguyên hương vị đặc trưng. Quá trình sản xuất đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm, từ việc chọn gạo ngon, ngâm nước, xay bột đến tráng bánh và phơi khô. Mỗi chiếc bánh chỉ mất vài phút để làm, nhưng để có một mẻ bánh đạt chuẩn, người thợ phải thực hiện hàng trăm chiếc mỗi ngày.
Nhờ gìn giữ phương pháp sản xuất truyền thống, bánh tráng Túy Loan không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ và một số nước châu Âu, thu hút đông đảo du khách và sinh viên quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
![]() |
Tranh vẽ về hoạt động tráng bánh tráng Túy Loan do sinh viên thực hiện trong chuyến tham quan, thể hiện nét đẹp truyền thống của làng nghề. |
Tuy nhiên, bà Luyện nhấn mạnh thêm, thời gian gần đây làng nghề cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vào dịp Tết khi cung không đủ cầu. Việc nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường là mục tiêu quan trọng để bánh tráng Túy Loan tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường OCOP.
Gà Kê Sơn hữu cơ với hành trình đạt chuẩn OCOP
Gà Kê Sơn là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Hòa Phong, nổi bật với mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1, cho biết mô hình chăn nuôi này được triển khai với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, giúp người dân nâng cao kỹ thuật nuôi gà sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
![]() |
Mô hình nuôi gà hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng đất và hạn chế dịch bệnh so với chăn nuôi công nghiệp. |
Khác với chăn nuôi công nghiệp, gà Kê Sơn được nuôi theo hình thức thả vườn tự nhiên, ăn thức ăn hữu cơ, không sử dụng kháng sinh, đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon. Trung bình mỗi hộ nuôi 500 con/năm, mỗi đợt khoảng 200 con, kéo dài 4-5 tháng, lâu hơn so với gà nuôi công nghiệp nhưng đảm bảo chất lượng vượt trội.
Năm 2022, sản phẩm gà thả vườn Kê Sơn được chứng nhận OCOP 3 sao, mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường. HTX cũng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm như gà nguyên con, cánh gà, đùi gà, phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Bên cạnh đó, 100% hộ chăn nuôi đã đạt chuẩn VietGap, đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm.
![]() |
Sản phẩm gà Kê Sơn hiện đã có mặt trên thị trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn. |
Chị Nguyễn Ni Na (SN 1990), hộ tham gia trong chuỗi liên kết gà Kê Sơn tự hào chia sẻ: “Với chiến lược phát triển bền vững, HTX Hòa Phong không chỉ giúp người dân chúng tôi ổn định đầu ra mà còn tạo dựng một thương hiệu gà hữu cơ đáng tin cậy trên thị trường”.
Bước tiến nông nghiệp xanh: Canh tác lúa theo mô hình hữu cơ
Bên cạnh bánh tráng và gà Kê Sơn, HTX Hòa Phong còn tiên phong trong mô hình trồng lúa hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững. Việc ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đất đai và nâng cao chất lượng nông sản.
![]() |
Lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ phát triển tốt, ít sâu bệnh, đem lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân. |
HTX đã tổ chức các buổi trình diễn lúa hữu cơ, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Thông qua mô hình này, bà con được hướng dẫn kỹ thuật canh tác không sử dụng hóa chất, thay thế bằng phân bón hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh tự nhiên. Kết quả cho thấy năng suất và chất lượng lúa cải thiện đáng kể, giá trị kinh tế cũng cao hơn so với lúa trồng theo phương pháp truyền thống.
Việc đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Sản phẩm gạo hữu cơ từ HTX Hòa Phong đang từng bước xây dựng thương hiệu, hướng đến tiêu chuẩn OCOP, góp phần đưa nông sản Việt vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Sản phẩm gạo OCOP 3 sao tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang đã được phân phối ra thị trường, hướng đến người tiêu dùng ưa chuộng thực phẩm sạch. |
Hợp tác xã Hòa Phong đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm OCOP, từ bảo tồn giá trị truyền thống đến ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Sự kết hợp hài hòa giữa bánh tráng Túy Loan, gà Kê Sơn hữu cơ và canh tác lúa hữu cơ cho thấy một hướng đi đầy tiềm năng, vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.
Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với những bước tiến vững chắc, HTX Hòa Phong không chỉ giúp người dân có cuộc sống ổn định mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.