![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Tham dự lớp tập huấn có Đại diện lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà, Đại diện UBND các xã, cán bộ đầu mối phụ trách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói (MSVT, CSĐG) trên địa bàn huyện, Doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, các tổ chức, cá nhân đứng tên MSVT, CSĐG đã được cấp; một số cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 8.800 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà chiếm 3.285 ha, thành phố Chí Linh khoảng 3.400 ha. Tổng sản lượng vải dự kiến đạt khoảng 55.000 tấn, trong đó vải sớm chiếm 31.500 tấn, chính vụ khoảng 23.500 tấn.
Riêng huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 38.000 tấn. Việc sản xuất vải trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ theo quy trình an toàn, với 721 ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Năm nay, dự báo các trà vải trên địa bàn tỉnh sẽ đạt năng suất cao. Thời gian thu hoạch dự kiến bắt đầu từ ngày 20/5/2025, trong đó trà vải sớm sẽ thu hoạch từ 20/5 đến 10/6, tập trung cao điểm từ 25/5 đến 05/6; trà vải chính vụ sẽ bắt đầu thu từ 10/6 đến hết tháng 6, cao điểm thu hoạch từ 15/6 đến 25/6/2025.
Để phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu vải thiều năm 2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chủ động tham mưu cho sở, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của địa phương triển khai tốt các nội dung như: tổ chức hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất vải, thường xuyên kiểm tra giám sát đối với các hoạt động chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho vải của nông dân, trong đó sẽ tiếp tục tăng cường tần suất kiểm tra giám sát đến cuối vụ; đang tiếp tục triển khai hỗ trợ để mở rộng diện tích vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP.
![]() |
Lãnh đạo Chi cục tăng cường chỉ đạo địa phương tuân thủ các quy định về MSVT và CSĐG phục vụ xuất khẩu. |
Rà soát, đánh giá lại và hướng dẫn hoàn thiện các điều kiện để duy trì các MSVT, mã số CSĐG. (đến nay tỉnh Hải Dương đã được cấp 198 MSVT, riêng Thanh Hà có 167 mã số, cùng với đó là 16 CSĐG với tổng công suất đạt khoảng 650 tấn/ngày, trong đó có 30 tấn/ngày phục vụ riêng thị trường Nhật Bản); kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu vải với các tổ sản xuất vải trên địa bàn tỉnh...
Kết thúc hội nghị, Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị và mong muốn các cơ quan truyền thông tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về quả vải thiều Thanh Hà đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; đề nghị chính quyền các địa phương có diện tích trồng vải tăng cường chỉ đạo, giám sát các vùng trồng vải, nhất là các vùng vải sản xuất để phục vụ xuất khẩu.
Đối với nông dân trồng vải và các tổ sản xuất vải cần tuân thủ các quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn xuất khẩu, duy trì vệ sinh vườn sạch sẽ, đầu tư đưa công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đối với các doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải, nhất là thu mua vải để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, khó tính cần ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm vải ngay từ đầu vụ và thông báo lại cho cơ quan chuyên môn nhằm đảm bảo phối hợp quản lý tốt nhất sản phẩm quả vải ở các vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Trước khi lựa chọn vùng để ký kết hợp đồng liên kết, thu mua nên tham khảo từ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để được hướng dẫn lựa vùng cho phù hợp với tiêu chuẩn của từng nước nhập khẩu, chủ động lấy mẫu quả vải để kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu mua.