Hà Nam tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất - Ảnh minh họa. |
Hà Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng nông nghiệp thầm lặng, chuyển đổi công nghệ số được ứng dụng rộng rãi vào nhiều khâu sản xuất. Đây là hướng đi tất yếu, giúp thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ đồng ruộng đến trang trại, từ trồng trọt đến chăn nuôi, công nghệ số đã len lỏi vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam và mang lại những hiệu quả tích cực.
Trên cánh đồng, việc phân tích dữ liệu về đất đai, cây trồng, và các giai đoạn sinh trưởng giúp nông dân đưa ra quyết định chính xác về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc, bón phân trên diện tích lớn, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức.
Trong các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm bằng công nghệ số đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình là khu sản xuất như lan hồ điệp tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phù Vân (thành phố Phủ Lý), nơi công nghệ số giúp hoa lan nở đúng dịp Tết, đạt độ đẹp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục) cũng sử dụng công nghệ số trong khâu tưới, kiểm tra độ Brix (độ ngọt) của quả để thu hoạch đúng thời điểm và cho chất lượng tốt nhất.
Trong chăn nuôi, công nghệ số giúp theo dõi sức khỏe vật nuôi, tính toán khẩu phần ăn, đảm bảo an toàn dịch bệnh và nâng cao năng suất. Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên), nơi công nghệ số được ứng dụng trong nhiều khâu sản xuất, từ theo dõi sức khỏe, sinh sản, thức ăn, đến nhiệt độ, độ ẩm, lượng sữa hàng ngày của mỗi con bò.
Công nghệ số còn hỗ trợ đắc lực trong việc tiêu thụ nông sản. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Hiện đã có 283 sản phẩm của 41 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh được đưa lên hệ thống.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp Hà Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số còn hạn chế, hạ tầng công nghệ số chưa đồng bộ, nguồn nhân lực có khả năng vận hành, khai thác công nghệ số cũng cần được chú trọng đào tạo.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần chung tay thay đổi tư duy, chủ động tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp |
Ứng dụng công nghệ SOFIX cải thiện “sức khỏe” đất |
Công nghệ số đem lại "phép màu" cho ngành chăn nuôi Thanh Hóa |