![]() |
Các phiên chợ, lễ hội giới thiệu sản phẩm là cơ hội đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. |
Hiệu quả từ các hoạt động kết nối và quảng bá sản phẩm OCOP
Trong tiến trình phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh Quảng Ngãi xác định là động lực quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và gia tăng thu nhập cho người dân. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tổ chức hội chợ và các phiên giao thương quy mô lớn.
![]() |
Các sản phẩm OCOP đa dạng được bày bán tại các cửa hàng, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 40 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao và 4 sao, đến từ các chủ thể tiêu biểu. Một trong số đó phải kể đến Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận. Đại diện HTX, chị Phạm Thị Thanh Hằng cho biết: “Việc tham gia các hội chợ, sự kiện kết nối cung cầu mang lại hiệu quả thiết thực cho hợp tác xã. Chúng tôi không chỉ quảng bá thương hiệu mà còn nhận được những góp ý quý báu để hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường”.
Kể từ khi triển khai tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 22 hội chợ thương mại với quy mô gần 3.300 gian hàng, thu hút hơn 700.000 lượt khách tham quan, mua sắm và tổng doanh thu ước đạt khoảng 83 tỷ đồng. Cùng với đó là sự chủ động trong việc kết nối liên vùng, tiêu biểu là 6 hội nghị xúc tiến thương mại phối hợp với các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thái Bình, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... nhằm mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm OCOP.
![]() |
Người tiêu dùng tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP. |
Từ thực tế tham gia các phiên chợ, anh Đoàn Đức Huy (Hộ kinh doanh Miền Trung Xanh) nhận định: “Qua các phiên chợ, tôi có cơ hội tiếp cận khách hàng ở nhiều địa phương khác nhau, học hỏi cách thức trưng bày, quảng bá sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây thực sự là kênh tiếp thị hiệu quả”.
Ở góc độ người tiêu dùng, ông Huỳnh Văn Minh (TP. Quảng Ngãi) bày tỏ: “Tôi ưu tiên lựa chọn sản phẩm OCOP vì an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Những hội chợ địa phương như thế này giúp người dân dễ dàng tiếp cận thực phẩm sạch, chất lượng tốt, giá cả hợp lý".
Chuyển đổi số – Giải pháp dài hạn nâng tầm sản phẩm OCOP
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, Quảng Ngãi đã chủ động ứng dụng chuyển đổi số như một hướng đi tất yếu trong việc nâng cao hiệu quả quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Tỉnh đã xây dựng và vận hành hiệu quả hai sàn thương mại điện tử chuyên biệt gồm www.quangngaitrade.gov.vn và https://ocopquangngai.vn, giúp hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh địa phương tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 661 sản phẩm của hơn 220 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đưa lên hai sàn thương mại điện tử của tỉnh. Trong đó bao gồm 173/271 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các đặc sản vùng miền khác. Đặc biệt, sàn www.quangngaitrade.gov.vn đã thiết lập được mạng lưới liên kết với hệ thống thương mại điện tử của 14 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, mở ra cơ hội hợp tác liên vùng và mở rộng thị phần.
![]() |
Giao diện của sản thương mại điện tử Quangngaitrade tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị chủ quản là Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi) |
Chính nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các ban ngành liên quan, hoạt động chuyển đổi số đã và đang trở thành động lực thúc đẩy quá trình hội nhập, giúp sản phẩm OCOP không chỉ vươn xa ra thị trường nội địa mà còn sẵn sàng cho chiến lược xuất khẩu trong tương lai.
Dẫu vậy, những khó khăn về quy mô sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, bao bì nhãn mác, hay khả năng đáp ứng số lượng lớn theo yêu cầu của hệ thống siêu thị hiện đại vẫn đang là rào cản đối với không ít chủ thể OCOP. Trước thực tế đó, ông Võ Quốc Hùng (Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để rà soát, lựa chọn những chủ thể OCOP có năng lực sản xuất tốt, đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng hiện đại. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và kênh bán hàng ổn định, bền vững”.
Hướng đến giai đoạn tiếp theo, Quảng Ngãi xác định xúc tiến thương mại và chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trụ cột then chốt trong chiến lược phát triển OCOP. Ngoài việc tổ chức các diễn đàn, triển lãm, sự kiện quảng bá, tỉnh cũng lên kế hoạch hình thành những điểm đến kết hợp giữa du lịch – văn hóa – sản phẩm OCOP, qua đó tạo hệ sinh thái tiêu dùng bền vững, gắn sản phẩm với bản sắc địa phương.
Từ việc xây dựng thương hiệu, tổ chức hội chợ, kết nối siêu thị cho đến chuyển đổi số mạnh mẽ, Quảng Ngãi đã và đang từng bước đưa sản phẩm OCOP trở thành biểu tượng của nông thôn mới sáng tạo, năng động và hội nhập. Với chiến lược bài bản, sự phối hợp đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, sản phẩm OCOP Quảng Ngãi đang tiến gần hơn đến mục tiêu chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế./.