![]() |
Ông Phạm Văn Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên. |
Ông Phạm Văn Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, bám sát các nội dung của Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 8/12/2024 của UBND tỉnh Thái Nguyên và thực hiện Kế hoạch số 129-KH/HNDT ngày 26/3/2025 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phát động cao điểm trên địa bàn toàn tỉnh về phong trào “Bình dân học AI” được tổ chức thành đợt cao điểm trên toàn tỉnh. Với mục tiêu hướng tới xây dựng lực lượng nông dân có kiến thức, kỹ năng và tư duy số, chủ động thích ứng với thời đại công nghệ, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng kỳ vọng từ AI sẽ giúp bà con tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Trong Kế hoạch, các nội dung đào tạo và triển khai được nêu rõ ràng và cụ thể như: Giới thiệu về AI, các ứng dụng thực tiễn như dự báo thời tiết, phân tích đất, quản lý cây trồng và vật nuôi; Cách áp dụng AI để tự động hóa tưới tiêu, phát hiện sâu bệnh sớm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Hướng dẫn nông dân sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
![]() |
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân tăng hiệu quả lao động và thu nhập. |
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Chương trình “Bình dân học AI” không đơn thuần là hoạt động đào tạo, mà đây là bước đi chiến lược để xây dựng lực lượng nông dân số, có tư duy trí tuệ nhân tạo trong hành động, sản xuất và quản lý. Từ phong trào “Bình dân học AI” này còn hướng đến việc xây dựng mạng lưới chia sẻ, hỗ trợ nhau học tập tại cơ sở - nơi “người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết”. Từ đó tạo dựng một cộng đồng nông dân có khả năng thích nghi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đây cũng là điều kiện để người nông dân đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc đúng như tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Dự kiến, có khoảng 100 lớp học sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của 30 chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp số, thu hút khoảng 10.000 lượt tham gia từ các hộ nông dân trên toàn tỉnh. Với chương trình này này có thể giúp ít nhất 5.000 hội viên nông dân trên toàn tỉnh hiểu rõ về AI và cách ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó tối ưu hóa quy trình canh tác, giảm chi phí và nâng cao năng suất.
Việc triển khai kế hoạch học AI không chỉ giúp nông dân tỉnh Thái Nguyên nâng cao kỹ năng công nghệ mà còn tạo điều kiện để phát triển nền nông nghiệp thông minh, bền vững. Dự kiến, sau khi hoàn thành khóa học, 80% học viên sẽ có thể áp dụng AI vào ít nhất một khâu trong quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp địa phương, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo kế hoạch, trong tháng 4/2025, các lớp tập huấn sẽ được triển khai từ cấp tỉnh, huyện đến tận các chi hội xã, phường, thị trấn. Với mục tiêu, mỗi chi hội phải đảm bảo 100% có lớp tập huấn hoặc tuyên truyền AI cho hội viên. Mục tiêu là có ít nhất 80% hội viên trong độ tuổi lao động được tham gia và 50% người lao động có thể sử dụng thành thạo kỹ năng AI cơ bản.
“Việc tổ chức các lớp tập huấn “Bình dân học AI” không chỉ giúp nông dân Thái Nguyên bắt kịp xu thế công nghệ, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lực số trong giai đoạn 2024 - 2025. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp Hội thích ứng linh hoạt, chủ động với công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn. Từ đó, Hội Nông dân tỉnh khẳng định, thể hiện rõ vai trò là tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt, đồng hành cùng nông dân trong hành trình đổi mới và phát triển bền vững” - ông Phạm Văn Sỹ khẳng định.