Giảm ‘’dấu chân carbon”: Cần cả xã hội vào cuộc. |
Khái niệm dấu chân carbon và khí nhà kính
Khí nhà kính (GHG) là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính - Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng năng lượng bức xạ của Mặt Trời được hấp thụ trong khí quyển, chuyển hóa thành nhiệt lượng gây nóng lên toàn cầu - Khí nhà kính (greenhouse gas): Thành phần thể khí của khí quyển, cả từ tự nhiên và từ con người, hấp thụ và phát ra bức xạ tại các bước sóng riêng trong phổ bức xạ hồng ngoại do bề mặt trái đất, khí quyển và các đám mây phát ra.
Dấu chân carbon là tổng lượng phát thải khí nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp hoặc dịch vụ của con người (bao gồm cả lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp). Các loại khí nhà kính phát thải (chủ yếu gồm: CO2, CH4, N2O, CFCs, O3,...) được biểu thị bằng tấn CO2 tương đương (CO2e) mỗi năm.
Năm 2019, theo thống kê lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu khoảng 54 tỷ tấn CO2. Các hệ thống nông nghiệp thải ra khoảng 13,7 tỷ tấn CO2.
Còn tại Việt Nam, trung bình từ năm 2000 đến 2020, trong lĩnh vực nông lâm nghiệp sử dụng đất, lượng khí nhà kính phát ra khoảng 96,7 triệu tấn CO2/năm (chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc - 316,7 triệu tấn CO2).
Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp chủ yếu từ 3 lĩnh vực: Trồng lúa nước (49,7 triệu CO2, khoảng 51%) – Chăn nuôi (18,5 triệu tấn CO2, khoảng 19%) - Quản lý đất và sử dụng phân bón (13,2 triệu tấn CO2, khoảng 13%).
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022, số đo “dấu chân carbon” của Việt Nam là khoảng 344 triệu tấn CO2/năm, xếp thứ 17 trên toàn cầu. Năng lượng là ngành chiếm hơn 63% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Cần xem xét để giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
Việc đầu tiên là phải xem xét đến cân bằng phát thải khí nhà kính trên toàn bộ hệ thống sản xuất, để từ đó có được bức tranh đầy đủ về dấu chân carbon của một trang trại hay một sản phẩm nông nghiệp, trên cơ sở phân tích vòng đời sản phẩm – từ đầu vào, quy trình sản xuất và đầu ra của hệ thống.
Đổi mới tư duy quản lý và sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, ít phát thải, trung hòa carbon và cải thiện chất lượng đất.
Chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất để thuận tiện cho quản lý sản xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến (tập trung ruộng đất, cánh đồng mẫu lớn,...).
Tăng cường khả năng hấp thụ và cố định carbon bằng cách trồng cây hoặc đồng cỏ. Tham gia vào thị trường carbon để mang lại lợi nhuận cho việc giảm lượng khí thải hoặc cô lập carbon.
Hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (năng lượng điện, gió, mặt trời,...).
Chuyển đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp một cách khôn ngoan, hiệu quả và tránh lãng phí. Theo hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm từ thực vật, giảm tiêu thụ sản phẩm từ động vật (nhất là các loại thịt đỏ như thịt bò).
Cả xã hội đang vào cuộc
Với việc dấu chân carbon đang ngày một ảnh hưởng đến “sức khỏe” của Trái đất, giảm dấu chân carbon đã và đang là một nhiệm vụ quan trọng của loài người. Nhiều năm qua, các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực để bảo vệ hành tinh của chúng ta, còn Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập đang có nhiều giải pháp.
Theo Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ, 1.912 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đo đạc, kiểm kê phát thải khí nhà kính. Vì thế, đây là việc bắt buộc trong tương lai gần chứ không còn tự nguyện nữa.
Theo thống kê, hiện xây dựng là ngành duy nhất chưa đưa ra được thước đo chung. Nên 104 doanh nghiệp của ngành xây dựng vẫn chưa đo được “dấu chân carbon” của mình.
Còn mới đây, Bộ Công Thương đã công bố thước đo của ngành. Đây là lĩnh vực có tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhất cần đo đạc, kiểm đếm carbon nhiều nhất.
Ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, một doanh nghiệp muốn kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ dựa vào thống kê các số liệu về phát thải gồm phát thải từ năng lượng sử dụng trực tiếp như than, dầu… cũng như năng lượng phát thải gián tiếp như điện năng và phi năng lượng.
Với Bộ Giao thông vận tải, hiện có 29 doanh nghiệp chưa gửi báo cáo về cho Bộ để tổng hợp, trong số 70 doanh nghiệp cần phải thực hiện đo đạc và kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có thước đo về phát thải khi nhà kính khi ban hành Thông tư hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành đo đạc và kiểm kê. Hiện 76/76 doanh nghiệp cần phải kiểm kê đã có kết quả báo cáo sơ bộ.
Bộ Tài nguyên & Môi trường còn là đơn vị đầu mối tổng hợp số liệu đo đạc và kiểm kê từ các bộ ngành để báo cáo Chính phủ. Mục đích là nhằm ban hành quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực - được hiểu là mức phát thải tối đa mà các doanh nghiệp không thể vượt qua.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê cập nhật, với số lượng tăng lên 2.893 doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng từng khẳng định: “Không một quốc gia nào muốn phát triển nhanh, bền vững mà không thực hiện theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn. Khi nào chúng ta thấy đó là con đường tất yếu chúng ta phải đi thì mới có các hành động cụ thể hiệu quả được”. Điều đó cho thấy các Bộ, ban, ngành đều có sự quan tâm sát sao đến việc giảm dấu chân carbon, tất cả đều vì “sức khỏe” của Trái đất, vì tương lai của các thế hệ mai sau…