Đến năm 2050, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về Zero. |
Tập trung 3 nhóm giải pháp
Trong 20 năm đầu thế kỷ 21, các hoạt động Nông nghiệp tại Việt Nam thải ra trung bình khoảng 96,7 triệu tấn CO2/năm, chiếm 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính cả nước.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Cự (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), hiện có nhiều giải pháp giảm dấu chân carbon trong nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm giải pháp chính: Chuyển đổi các mô hình canh tác và quản lý sản xuất (Nông nghiệp sinh thái, Nông nghiệp xanh, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp chính xác, Nông nghiệp thông minh, Nông nghiệp tái sinh...), đồng thời áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật canh tác (Quản lý chất lượng đất, Giống cây trồng, Phân bón, Chế độ tưới nước, BVTV...), và tiến hành chuyển đổi mô hình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (giảm thất thoát lãng phí sản phẩm nông nghiệp, chế độ ăn...).
Nhìn chung, các biện pháp giảm “dấu chân carbon” trong nông nghiệp cần tập trung vào việc đổi mới các hệ thống canh tác, quản lý tốt việc sử dụng đất, cải tiến kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó cần chú ý đến các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh.
Thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm “dấu chân carbon” trong canh tác nông nghiệp. Trong chế độ ăn, cần giảm tiêu thụ thịt động vật, tăng cường tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Nhức nhối chất thải do chăn nuôi
Theo thống kê, chăn nuôi chiếm khoảng 25% giá trị ngành Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, chiếm 19% phát thải khí nhà kính chủ yếu do phân gia súc thải ra môi trường.
Hiện Việt Nam là quốc gia có đàn lợn đứng thứ 6 trên thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2, sản lượng thức ăn chăn nuôi thuộc top 10; trong khi đó mật độ dân số đông nhất thế giới (315 người/km²). Cộng với trình độ của một bộ phận dân trí chưa cao, nhận thức chưa đầy đủ về tác hại lâu dài do chăn nuôi gây ra, chăn nuôi thực sự là một mối nhức nhối trong bức tranh chung của toàn ngành Nông nghiệp.
Để giải bài toán này cho chăn nuôi, việc sử dụng các loại phụ gia trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải trong chính đàn gia súc, xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn chính là những gì ngành Chăn nuôi cần nhân rộng, phổ cập để giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Cám chay, 100% từ thực vật như: ngô, bột mì, đậu tương… nhưng không sử dụng nguyên liệu có chứa thành phần động vật như bột xương, bột cá đang được một số nhà máy sản xuất, cộng thêm nguyên liệu minh bạch, đạt chứng nhận về bền vững đã giúp tiêu hóa dễ dàng và giảm 80% khí thải trong phân và nước tiểu.
Ngoài ra, công thức cám ăn chay còn được nghiên cứu, bổ sung thêm các vitamin, lợi khuẩn và các vị dược liệu để thay thế kháng sinh cũng như các chất kích thích bảo quản độc hại. Nhờ vậy, đã giúp tăng chỉ số sử dụng thức ăn, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, một công đoạn đang chiếm khoảng 11% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở tại các trại heo.
Hệ thống xử lý chất thải cũng đang được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp ngày một quan tâm, đặc biệt hệ thống xử lý chất thải theo phương thức tuần hoàn được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm.
Phân của gia súc sau khi thải ra được thu gom và tách ép trong một tháp ủ. Tháp ủ phân nhờ ứng dụng công nghệ sinh học sẽ cho ra phân Hữu cơ. Phân này sẽ được dùng để bón cho cánh đồng lúa chất lượng cao, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí cho đồng ruộng.
Hiện ngành Chăn nuôi chưa nằm trong danh sách phải kiểm kê carbon, nhưng để phát triển ngành cần làm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Chăn nuôi cũng có thể tạo tín chỉ carbon để trao đổi trên thị trường carbon đang ngày một sôi động.
Được biết, đến năm 2050, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, trong đó ngành Chăn nuôi (chiếm 19% lượng phát thải khí nhà kính) sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Đây sẽ là một hành trình dài, nhưng sẽ tạo ra những giá trị bền vững. Các bên liên quan sẽ phải khởi đầu từ những dấu chân carbon nhỏ nhất, nhưng chính những điều nhỏ bé theo năm tháng sẽ tạo ra những điều lớn lao, đó chính là một Trái đất thực sự khỏe mạnh cho con em chúng ta…