![]() |
Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với sầu riêng, mít xuất khẩu |
Trong thời gian qua, một số lô hàng sầu riêng, mít xuất khẩu từ Việt Nam bị cảnh báo do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, sử dụng hóa chất không có trong danh mục cho phép, thậm chí có dấu hiệu sử dụng chất vàng ô - loại hóa chất bị cấm. Trước thực tế đó, Sở NN&MT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức trong sản xuất.
Theo đó, các nội dung trọng tâm được triển khai bao gồm: tuyên truyền sâu rộng đến người dân, hợp tác xã, cơ sở đóng gói và doanh nghiệp về các yêu cầu kỹ thuật, quy định pháp luật của nước nhập khẩu; khuyến cáo chủ động lấy mẫu giám sát dư lượng hoá chất trước khi xuất khẩu; tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số để đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và an toàn thực phẩm.
UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thường xuyên giám sát tình trạng hoạt động của các vùng trồng và CSĐG trên địa bàn. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét thu hồi mã số nếu không đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Đây là biện pháp nhằm loại bỏ nguy cơ làm ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Đắk Lắk.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục là đơn vị nòng cốt trong việc thực hiện giám sát, cập nhật thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói trên hệ thống dữ liệu quốc gia, đồng thời tham mưu cho Sở trong việc thu hồi mã số của các đơn vị vi phạm hoặc không còn đủ điều kiện. Các đợt kiểm tra đột xuất cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nhằm chủ động kiểm soát tình hình.
Đối với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch giám sát ATTP, tổ chức lấy mẫu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để phân tích, đánh giá mức độ an toàn thực phẩm, từ đó cảnh báo sớm và hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng triển khai hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các vùng trồng đã có mã số nhằm nâng cao uy tín sản phẩm.
Với các đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói và đơn vị xuất khẩu, trách nhiệm cũng được quy định rõ. Các vùng trồng cần tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, kỹ thuật canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu, kỹ thuật cắt tỉa và thu hoạch đúng chuẩn. Việc sử dụng thuốc BVTV, hóa chất, kim loại nặng phải được ghi chép chi tiết, lưu hồ sơ đầy đủ để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Các CSĐG phải thực hiện vệ sinh công nghiệp thường xuyên, đảm bảo quy trình đóng gói, sơ chế theo đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Phương tiện vận chuyển cũng cần được làm sạch trước khi xếp hàng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản trong suốt quá trình vận chuyển.
Tất cả các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch tự giám sát và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất, người lao động để cập nhật kịp thời các quy định mới của nước nhập khẩu. Hoạt động đào tạo này không chỉ giúp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Được biết, Đắk Lắk hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này đang tăng mạnh, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc, việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt để duy trì lợi thế cạnh tranh. Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng hình ảnh nông sản Đắk Lắk an toàn, chất lượng, sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế./.