Những cây chè Shan tuyết ở Tà Xùa mọc ở độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, với tuổi đời hàng trăm năm - Ảnh minh họa. |
Sản phẩm chè Tà Xùa của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Chè Tà Xùa Bắc Yên". Đây là một cột mốc quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ danh tiếng và chất lượng sản phẩm mà còn nâng tầm giá trị cho búp chè cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.
Tà Xùa, một xã vùng cao của huyện Bắc Yên, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những biển mây tuyệt đẹp và đặc biệt là sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm. Những cây chè Shan tuyết ở Tà Xùa mọc ở độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, với tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt, 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh đã được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam.
Chè Tà Xùa được thu hái từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ, mang hương vị đặc trưng, thơm ngon và được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Từ lâu, cây chè đã gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Nghề sao chè cũng được hình thành và phát triển từ đó. Chè Tà Xùa thường được thu hoạch 3-4 đợt mỗi năm, vào các tháng 2, 4, 8 và 10. Bà con thu hái theo kỹ thuật hai lá một tôm để đảm bảo chất lượng chè tốt nhất.
Để phát triển chuỗi giá trị chè Tà Xùa, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã phê duyệt cho Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Chè Tà Xùa Bắc Yên".
Năm 2024, "Chè Tà Xùa Bắc Yên" chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. UBND huyện Bắc Yên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Nhóm cũng đã hoàn thiện hệ thống nhận diện sản phẩm, xây dựng tem truy xuất QR code và hỗ trợ các cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng.
Việc được tập huấn về quản lý và sử dụng nhãn hiệu, marketing sản phẩm đã giúp mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là lợi thế để khai thác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè, đồng thời gắn với phát triển du lịch. Địa phương đã định hướng tập trung phát triển sản phẩm chè gắn với du lịch sinh thái và khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm chè hàng hóa, khai thác quần thể 200 cây chè cổ thụ thành điểm tham quan.
Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không chỉ giúp sản phẩm chè Tà Xùa nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường mà còn thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.