![]() |
A Lưới, huyện miền núi với đa dạng sinh học, hệ sinh thái phong phú và tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. |
Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững
A Lưới có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC), với đất đai màu mỡ, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và khí hậu ôn hòa. Trước đây, nông dân địa phương chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến suy giảm chất lượng đất và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nhận thức được vấn đề này, từ năm 2020 UBND huyện A Lưới đã ký kết hợp tác với một số đơn vị, doanh nghiệp để triển khai các mô hình NNHC trên địa bàn.
Anh Hồ Văn Teo, một nông dân tại xã Quảng Nhâm, đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học theo hướng dẫn của Tập đoàn Quế Lâm. Năm 2021, anh xây dựng chuồng trại rộng 250m² và nuôi 10 con lợn nái cùng 50 con lợn thịt. Anh Teo chia sẻ: “Việc chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe gia đình và mọi người”.
Tại thôn Pi Ây, xã Quảng Nhâm có hơn 70 hộ dân đã hợp tác với doanh nghiệp để trồng hơn 10 hecta ngô giống VN10 theo phương pháp hữu cơ. Ông Hồ Văn Trình, Trưởng thôn Pi Ây, thừa nhận: “Việc canh tác hữu cơ đã giúp cải tạo đất đai tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”.
Ngoài ra, bà con nông dân tại địa phương đã liên kết với một số doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ, với diện tích 65 hecta trồng lúa Ra dư (loại lúa đặc sản đồng bào vùng cao huyện A Lưới canh tác thâm canh trên nương rẫy) tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Sản phẩm lúa hữu cơ này đã và đang đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
Lúa Ra dư, loại lúa, gạo đặc sản của đồng bào vùng cao huyện A Lưới. |
![]() |
Nhiều hộ dân ở A Lưới cũng đã và đang triển khai chăn nuôi bò hữu cơ. |
Đặc biệt, A Lưới là huyện vùng cao có diện tích rộng, nhiều đồng cỏ ở vùng gò đồi là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển chăn nuôi bò… Nhiều người dân ở huyện A Lưới cũng đã và đang triển khai các dự án chăn nuôi bò hữu cơ, với tổng số 140 con được nuôi từ 70 hộ trong năm 2023. Những dự án này nhằm nâng cao chất lượng thịt bò và nâng tầm thương hiệu đáng kể cho sản phẩm thịt “Bò vàng A Lưới” của địa phương.
Quyết sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương
Hiện nay, chính quyền huyện A Lưới đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huyện A Lưới phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại hội nghị lần thứ 6, Huyện ủy A Lưới (khóa XII) ngày 08/10/2021 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự đột phá trong sản lượng, năng suất, chất lượng, giá trị của các sản phẩm trên địa bàn.
Qua đó UBND huyện A Lưới tập trung hỗ trợ các tổ chức, đơn vị hiện có nâng cao năng lực để làm đầu mối thu gom, tiêu thụ nông sản cho người dân. Huyện hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện A Lưới cũng đang triển khai các khoản vay ưu đãi cho người dân để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. Nhiều hộ dân đã được vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Nông sản sạch của người dân A Lưới góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Từ năm 2020 UBND huyện A Lưới đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện A Lưới cũng huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các chương trình này tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm đã đánh giá về hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn. Theo ông, trong thời gian qua huyện A Lưới đã duy trì ổn định và có bước đột phá do các cấp chính quyền triển khai thực hiện tốt nghị quyết về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Thời gian tới, A Lưới xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích… Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường - Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết thêm.
Những khó khăn, thách thức và giải pháp hành động
Dù đã được nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình triển khai đẩy mạnh kinh tế NNHC tại A Lưới cũng vướng mắc một vài khó khăn nhất định, cụ thể như: Vấn đề về nhận thức của nông dân, một số nông dân còn e ngại về hiệu quả kinh tế của NNHC so với phương pháp canh tác truyền thống. Nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nên việc chuyển đổi sang NNHC còn khó khăn, đặc biệt là đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng và kỹ thuật. Thêm nữa, thị trường tiêu thụ cũng cần có phương án an toàn, đảm bảo các sản phẩm hữu cơ có đầu ra ổn định.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi và dịch bệnh là hai yếu tố chưa thể kiểm soát trong NNHC địa phương. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, trong khi dịch bệnh làm giảm đáng kể sản lượng. Những vấn đề này làm tăng sự “không chắc chắn” trong sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường.
![]() |
Nhờ sự đồng lòng chung sức của nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, chất lượng cuộc sống của người dân A Lưới ngày càng được nâng cao. |
Để đảm bảo phát triển bền vững NNHC, huyện A Lưới tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp: Cơ giới hóa sản xuất, tăng cường tuyên truyền và đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân về lợi ích và kỹ thuật sản xuất NNHC; Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất hữu cơ; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm và một số doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm đảm bảo đầu ra liên tục, ổn định cho sản phẩm cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.
Với sự hỗ trợ chung tay của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, sự hợp tác của các doanh nghiệp và những nỗ lực của cộng đồng nông dân, công cuộc phát triển NNHC bền vững tại huyện miền núi A Lưới, thành phố Huế cho thấy là một hướng đi đúng đắn, hứa hẹn là một điểm sáng trong cộng đồng xã hội. Từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đồng thời góp phần bảo vệ môi trường môi sinh...
Việc phát triển NNHC không những cung cấp thực phẩm an toàn, nâng cao sức khỏe, nâng cao kinh tế và thu nhập cho nông dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, giảm tác động biến đổi khí hậu theo đúng tinh thần Đề án 885 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNHC gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ địa phương./.