Năng suất bình quân tôm công nghệ cao đạt 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 90.250 tấn, chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Bến Tre - Ảnh minh họa. |
Ven biển Bến Tre những năm gần đây nổi lên là "thủ phủ" của tôm công nghệ cao. Sau 6 năm triển khai, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả vượt trội với hơn 3.600 ha diện tích nuôi tại ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Năng suất bình quân đạt 60 - 70 tấn/ha, sản lượng đạt 90.250 tấn, chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Đặc biệt, lợi nhuận trung bình mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi là con số ấn tượng, thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia.
Ưu điểm nổi bật của nuôi tôm công nghệ cao chính là sự đầu tư bài bản, khép kín, giúp cách ly môi trường, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Mô hình này cho phép nuôi với mật độ cao, quản lý chặt chẽ thức ăn và môi trường nước, từ đó nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, tăng năng suất và sản lượng.
Nhận thức được tiềm năng to lớn của mô hình này, tỉnh Bến Tre đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Mục tiêu đến năm 2025 là đạt 4.000 ha tôm công nghệ cao.
Không chỉ dừng lại ở chính sách khuyến khích, Bến Tre còn đầu tư mạnh vào hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao. Cụ thể, tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất xây dựng các trạm biến áp 110KV, triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 14 trạm quan trắc tự động cũng được lắp đặt để giám sát chặt chẽ các thông số môi trường nước, đảm bảo điều kiện nuôi tối ưu. Dữ liệu từ các trạm quan trắc này được cập nhật liên tục, giúp người nuôi chủ động ứng phó với những biến động của môi trường.
Để hỗ trợ về vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đã đạt 433 tỷ đồng.
Hướng tới tương lai, Bến Tre đang khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đưa ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững.