![]() |
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 178 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên - Ảnh minh họa. |
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau công nhận còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, ngành và chủ thể tham gia.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa 9 sản phẩm của 7 chủ thể ra khỏi danh sách OCOP cấp tỉnh do hết hạn chứng nhận và không tham gia đánh giá lại. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát sau công nhận còn chưa được chú trọng đúng mức.
Mặc dù đến nay, toàn tỉnh đã có 178 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều sản phẩm OCOP còn tồn tại hạn chế về chất lượng, nhãn mác, bao bì. Thậm chí, một số địa phương còn chạy theo thành tích trong việc đăng ký, đánh giá sản phẩm.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do các chủ thể, phần lớn là hộ sản xuất nhỏ lẻ, còn gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, thị trường, dẫn đến thiếu chủ động trong việc nâng cao chất lượng, đầu tư để đáp ứng các tiêu chí đánh giá, phân hạng.
Để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ chủ thể OCOP về quản trị sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường...; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, tỉnh nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, tránh chạy theo thành tích, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, bản thân các chủ thể sản xuất cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình OCOP. Có như vậy, chương trình mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.