Dự án “Tăng cường thương mại và đầu tư nông nghiệp hữu cơ giữa Úc và Việt Nam” thuộc Chương trình tài trợ Tăng cường Hợp tác kinh tế giữa Úc và Việt Nam (AVEG- Vòng 02) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, từ tháng 7/2023 đến tháng 5/2024. Dự án do Mekong Organics quản lý.
Để triển khai dự án trên, từ ngày 18-21/1/2024, Hiệp hội nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) đã phối hợp với Mekong Organics tổ chức các hoạt động, cụ thể: Khóa tập huấn “Sẵn sàng xuất khẩu”; Tọa đàm “Xúc tiến thương mại và Đầu tư nông nghiệp hữu cơ Úc- Việt Nam”; Thăm cộng đồng sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam tại trang trại hữu cơ Darwin tại xã Ngọc Thăng (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Các đại biểu thăm cộng đồng sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam tại trang trại hữu cơ Darwin |
Tham dự chuỗi các hoạt động trên gồm các chuyên gia, đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, VOAA, các chuyên gia từ Hội đồng xuất khẩu Úc, doanh nghiệp và tổ chức chứng nhận, đào tạo từ Úc, và các chuyên gia cùng gần 30 doanh nghiệp điển hình từ khu vực phía Bắc tham gia chia sẻ câu chuyện thành công sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ.
Bà Lê Thị Thanh Hương – Chánh Văn phòng VOAA cho biết: "Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người. Sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc: Không sử dụng phân bón, không thuốc trừ sâu hóa học; không thuốc diệt cỏ; không kích thích tăng trưởng và không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO); Như vậy, sản phẩm hữu cơ là an toàn và tốt cho sức khỏe của con người."
Theo thống kế của Hội đồng sản xuất hữu cơ Úc, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà thương mại sản phẩm hữu cơ sẽ là xu thế tất yếu của người Việt Nam và thế giới. Tại Úc, với 70% diện tích hữu cơ được chứng nhận trên thế giới (khoảng 53 triệu ha), tiêu thụ sản phẩm hữu cơ bình quân là 65kg/người/năm.
Hơn 50 năm qua, Úc và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao trong khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược. Hiện Úc đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam và Việt Nam đang thúc đẩy Úc cho phép nhập khẩu chanh leo, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi, sầu riêng, tôm tươi nguyên con… Trong khi Úc đang thúc đẩy Việt Nam mở cửa nhập khẩu thịt hươu, thịt kangaroo, mật ong, quả đào và xuân đào.
Tại Việt Nam, thời gian qua nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, canh tác hữu cơ đã được ban hành như: Nghị định 109/2018/NĐ-CP về quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (tại Quyết định 885/CP-TTg ngày 23/6/2020), đến năm 2023 tất cả các tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam đều đã có hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ địa phương.
"Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu tới 2,2 triệu tấn sản phẩm hữu cơ trị giá khoảng 263 triệu USD, trong đó, hai thị trường tiêu thụ lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cho thấy giai đoạn hiện nay là thời cơ thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ."- bà Thanh Hương khẳng định và nhấn mạnh: “Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều Hiệp định thương mại, khu vực và Quốc tế (WTO, FTA, CPTPP,...). Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang rất rộng mở ở trong nước cũng như xuất khẩu.”
Rau hữu cơ được trồng theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam tại trang trại hữu cơ Darwin |
Đặc biệt, tại khóa tập huấn “Sẵn sàng xuất khẩu”, các doanh nghiệp được nghe các chuyên gia đầu ngành về xuất khẩu của Hội đồng xuất khẩu Úc cùng chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu, sở hữu tài sản trí tuệ, quản lý ngoại hối, và logistics tại Việt Nam chia sẻ những kiến thức thực tế, toàn diện trong việc sản xuất, chế biến và thương mại nông sản hữu cơ tại Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến xuất khẩu vào thị trường Úc và các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo bà Thanh Hương, trong số 40 doanh nghiệp đăng ký, dự án đã lựa chọn 27 doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện sẵn sàng xuất khẩu để tham dự trong khuôn khổ của dự án. Kỳ vọng của khóa tập huấn là sẽ mang lại sự hiểu biết cặn kẽ về qui trình xuất khẩu nông sản, đặc biệt là nông sản hữu cơ cho các doanh nghiệp, và kết nối phát triển thị trường .