Chất lượng là yếu tố quan trọng để các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản thành công - Ảnh minh họa. |
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục cho thấy sự phát triển ổn định với kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 đạt 25,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,46 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 2,21 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 14%.
Sự tăng trưởng này một phần nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như AJCEP, VJEPA, CPTPP và RCEP, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn và đa dạng, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, đồ gỗ, nông sản, thực phẩm...
Cụ thể, ngành dệt may Việt Nam có thể tận dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Đối với ngành nông sản, nhu cầu về thực phẩm an toàn và hữu cơ tại Nhật Bản rất cao, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm như cà phê, hạt điều, trái cây nhiệt đới, rau củ quả đông lạnh của Việt Nam. Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng có nhiều tiềm năng do người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm độc đáo và có giá trị nghệ thuật.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm và quản trị doanh nghiệp. Nhật Bản nổi tiếng với những tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng, an toàn. Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về bao bì, nhãn mác. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, phát triển và trách nhiệm xã hội cũng là những yếu tố quan trọng để tạo dựng niềm tin và thành công tại thị trường khó tính này.
Nông sản Việt Nam: Vượt rào cản xanh để chinh phục thị trường EU |
Thanh long Việt Nam: Từ "vua xuất khẩu" đến bờ vực thẳm |
Biến đổi khí hậu đẩy giá gạo xuất khẩu tăng vọt |