Những doanh nghiệp nhỏ tiên phong xây dựng PGS Việt Nam gần 15 năm qua vẫn đang tiếp tục là những trụ cột chính như Bác Tôm, Tâm Đạt và Sói Biển. Bên cạnh đó là sự đóng góp ngày càng đa dạng từ các doanh nghiệp mạnh mẽ khác như Hoàng Giang (Anisaf), Vinasamex (quế hồi xuất khẩu) và DACE (gừng xuất khẩu).
Họ không đơn thuần đóng vai trò khách hàng, mà còn góp phần bổ sung nhiều yếu kém cố hữu của nông dân hữu cơ PGS và xây dựng các giá trị cốt lõi cho PGS Việt Nam. Các hoạt động nổi bật nhất của khối doanh nghiệp trải dài từ việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến ưu tiên quảng bá sản phẩm PGS tại điểm bán, tổ chức farm tours và luôn là nhà tài trợ chủ chốt cho các sự kiện PGS. Khối doanh nghiệp cũng hỗ trợ đắc lực thúc đẩy ứng dụng QRcode, và đặc biệt là công tác thu hộ phí sản phẩm để đảm bảo có đủ chi phí vận hành mạng lưới.
Dẫn sinh viên đại học Hoa Kỳ thăm farm Đồng Sương |
Nổi bật trong khối doanh nghiệp là chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, đối tác đầu tiên và lớn nhất của PGS Việt Nam. Đóng góp của Bác Tôm trước hết phải kể đến là sự tham gia của kỹ sư thực địa giám sát đảm bảo tính độc lập và minh bạch xuyên suốt cả quá trình sản xuất hữu cơ. Kỹ sư Dương Khôi mỗi ngày vượt hàng trăm cây số để đảm bảo tần suất giám sát thường xuyên bất kể năng mưa và dịch giã.
Đặc biệt, một trong các bí quyết kỹ sư Dương Khôi luôn thực hành để đảm bảo tính liêm chính trong giám sát là yếu tố bất ngờ, dù thời tiết khắc nghiệt như thế nào. Thêm nữa phải kể đến là yếu tố khách quan bằng việc tuyệt đối không nhận quà, dù đến bữa ăn đang đói cồn cào thì anh cũng từ chối. Chính vì vậy kỹ sư thực địa rất bị những người không chân chính ghét bỏ, thậm chí dọa dẫm.
Tuy nhiên, nhờ kiến thức và kỹ năng tích lũy từ 40 năm đi cùng nông dân, ông Khôi đã góp phần quan trọng loại bỏ các hành vi vi phạm, giúp chọn lọc và duy trì những người sản xuất chân chính phát triển. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng cũng nhận đóng góp không nhỏ từ anh Nguyễn Dân tổng phụ trách ngành hàng và chị Lê Liên phụ trách chuyên rau.
Bên cạnh đó, Bác Tôm cũng luôn tích cực và chủ động tham gia tập huấn xây dựng năng lực nhóm nông dân và hỗ trợ tái cấu trúc khi cần. Ví dụ điển hình là với nhóm Sòng (Lương Sơn), ngày đầu tiên Giám đốc Trần Chiến đến thăm cách đây 13 năm là trang trại rau leo lắt với những chùm cà chua mọng đỏ rũ xuống không ai hái. Bà con lúc đó đang rất chán nản và bỏ bê vì không muốn mang những quả cà chua hữu cơ bao công chăm sóc ra cạnh tranh với hàng chợ.
Giám đốc Trần Chiến bất đắc dĩ đã mạnh dạn thu mua toàn bộ sản phẩm đến lứa trên vườn để khích lệ bà con tiếp tục. Nhờ vậy nhóm Sòng đã tiếp tục phát triển, nhưng rồi gặp trở ngại do trưởng nhóm cũ bê trễ dẫn đến việc nhóm tụt hậu. Được sự hỗ trợ tích cực của chị Trần Thị Thanh Bình và Từ Tuyết Nhung, Bác Tôm đã kiên trì thúc đẩy để nhóm chọn được lãnh đạo mới phù hợp và từ đó dẫn dắt nhóm luôn thuộc top đầu về hiệu quả sản xuất.
Một ví dụ nữa gần đây là liên nhóm Trác Văn (Hà Nam) đã từng được hỗ trợ xây dựng năng lực tổ chức và sơ chế để từng bước ổn định sản xuất. Tuy nhiên, sau đó Trác Văn dần đi xuống trầm trọng dẫn tới phần lớn diện tích bị bỏ hoang. Một lần nữa Bác Tôm đã quyết tâm cùng Ban điều phối thúc đẩy mạnh mẽ thay đổi tổ chức nông dân, đồng thời khích lệ bằng cách hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc giúp giảm lao động và tăng chất lượng sản phẩm. Đến nay bước đầu sản xuất đã được hồi phục đáng kể với nhiều tín hiệu tích cực trên đồng.
Kỹ sư thực địa Dương Khôi trên vườn cam Hàm Yên |
Một khía cạnh nữa thể hiện vai trò của Bác Tôm là hợp tác quốc tế. Vốn xuất thân là chuyên gia của các tổ chức NGO nông nghiệp lớn, anh Chiến cũng góp phần tham gia các hội thảo quốc tế để lan tỏa kinh nghiệm và cập nhật đổi mới cho chính PGS. Trong đó có một số hoạt động nổi bật như tham gia dự án Eco-Fair (Sinh thái – Công bằng), dự các khóa học và hội thảo về hữu cơ của Naturland (Đức), và nhiều hội thảo quốc tế của các tổ chức như CIAT, Helvetas... Những hoạt động này vừa tăng vị thế của PGS Việt Nam, đồng thời lan tỏa kinh nghiệm và cũng là cơ hội học hỏi tự nâng cao năng lực cho mạng lưới.
Cuối cùng cũng phải kể đến một khía cạnh rất “participatory” và “bottom up” của Bác Tôm là tổ chức hệ thống với sự phân quyền chủ động cho nhân viên tự quyết phần lớn. Đây là điểm khác biệt so với các chuỗi khác, và trùng hợp là điểm này tương thích với cách thức tổ chức của mạng lưới sản xuất PGS Việt Nam.
Theo đó, chỉ các tiêu chuẩn cơ bản về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh được kiểm soát từ hệ thống chung, còn việc vận hành được phân quyền cho từng bộ phận, riêng các cửa hàng là độc lập quản lý tài chính. Tinh thần làm chủ được phát huy mạnh mẽ đến tận người bán hàng này được coi là một trong các giá trị cốt lõi xây dựng tính bền vững cho hệ thống, cũng là tuân theo quy luật của tự nhiên vốn đa dạng và khác biệt cùng sinh tồn và phát triển.
Nhờ vậy, đội ngũ nhân sự Bác Tôm ngày càng mạnh mẽ và bổ sung cho nhau. Tin chắc rằng câu chuyện thú vị tới đây sẽ được kể bởi đội ngũ mới tràn trề năng lượng và đang đóng góp tích cực nhất như Nguyễn Dân – phụ trách khối vận hành ngành hàng – marketing, Hoàng Tâm – phụ trách cửa hàng lớn nhất, Lê Nga – phụ trách cửa hàng tăng trưởng tốt nhất, Nguyễn Khởi – người nhận được sự tin yêu quý giá của khách hàng, Chu Chúc phụ trách nhóm cửa hàng ấn tượng nhất, và nhiều ẩn số khác nữa đang khiêm tốn dấu mình. Đội ngũ phụ trách chốt chặn cuối cùng trong chuỗi – chăm sóc khách hàng – là cực kỳ quan trọng để giữ chân khách hàng ở lại với sản phẩm tốt từ chất lượng bên trong chứ không phải bề ngoài như PGS hữu cơ của chúng ta.
Trần Mạnh Chiến, CEO Bác Tôm - Phó Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam