Từ trái qua phải: TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch VOAA; GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch VOAA; Thạc sỹ Trần Mạnh Chiến, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam tại Đại hội IFOAM hữu cơ châu Á |
Sau phiên khai mạc và chuyến đi thực tế tới khu sản xuất của Tập đoàn công nghiệp hữu cơ Qimei ở ngày làm việc thứ nhất, các đại biểu tham dự Đại hội IFOAM hữu cơ châu Á đã nghe báo cáo, tham luận tại ngày làm việc thứ hai, 20/6/2024.
Đại diện cho đoàn, Thạc sỹ Trần Mạnh Chiến, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm đã có bài tham luận, chia sẻ về hiện trạng và triển vọng của thị trường hữu cơ Việt Nam.
Ông Chiến cho biết, hiện Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các nông sản hữu cơ gồm: gạo, cà phê, gia vị, chè, dừa, thanh long, bưởi sầu riêng, vải thiều, xoài… đi tới khoảng trên 20 nước trên thế giới như: Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canada, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, Hồng Kông. Tổng khối lượng xuất khẩu khoảng 260,000 tấn/năm và đem lại doanh thu khoảng 350 triệu USD/năm.
Còn thị trường trong nước tiêu thụ thực phẩm hữu cơ khoảng 20 triệu USD/năm. Thị trường nhập khẩu Việt Nam cũng khá nhộn nhịp, nhưng chủ yếu là các loại hoa quả như: táo, nho, cherry và thường tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Đối tượng sử dụng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam khá đa dạng, nhưng nhóm người mua tập trung chủ yếu là phụ nữ (chiếm tới 87,5%) và ở độ tuổi 25-44. Nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng là một vấn đề khi tập trung chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi.
Về diện tích canh tác, theo thống kê của IFOAM hữu cơ quốc tế, năm 2009 Việt Nam mới có 20.503ha canh tác hữu cơ nhưng đã tăng mạnh trong hơn 1 thập kỷ sau đó, đến năm 2020 có 175.986ha. Diện tích canh tác hữu cơ chỉ giảm mạnh trong năm 2021 (119.106ha) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đang dần hồi phục và hiện đạt trên 200.000 ha.
Gian hàng của đoàn Việt Nam tại Đại hội IFOAM hữu cơ châu Á |
Hiện Việt Nam đã có đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển Nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là cơ sở, nền tảng để phương thức canh tác được coi là xu thế của thời đại tiếp đà phát triển tại dải đất hình chữ S.
Trong bức tranh toàn cảnh của Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) đóng một vai trò quan trọng với rất nhiều chức năng: Tham vấn chính sách; Kết nối Việt Nam với cộng đồng hữu cơ toàn cầu; Hỗ trợ hội viên; Đào tạo tư vấn; Truyền thông; Kết nối 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học để phát triển Nông nghiệp hữu cơ.
Hiện VOAA có 6 đối tác chiến lược quốc tế; 144 hội viên là tổ chức, doanh nghiệp; 229 hội viên cá nhân và 1.598 nông dân PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia).
Với thực trạng nêu trên, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ Nông nghiệp hữu cơ trong những năm tới để hòa mình vào dòng chảy của thời đại, trong đó VOAA tiếp tục đóng một vai trò quan trọng để tham vấn, thúc đẩy, gắn kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học) trong việc phát triển Nông nghiệp hữu cơ.