Chương trình FFF II tiếp tục hỗ trợ các Hội Nông dân ở cơ sở, các nhóm nông dân, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), cộng đồng sống dựa vào rừng sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường và dựa vào hệ sinh thái, cải thiện sinh kế cho người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động của Chương trình FFF được Hội Nông dân các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòà Bình, Sơn La, Thái nguyên triển khai và hỗ trợ trực tiếp cho các THT, HTX, các nhóm nông dân.
Tham gia chương trình FFF, nông được được học về hệ sinh thái của rừng, trồng rừng gỗ lớn, rừng đa tầng tán, phát triển các sản phẩm đa dạng dưới rừng, trang trại, canh tác hữu cơ, sản xuất nông lâm kết hợp dựa vào hệ sinh thái, phát triển các sản phẩm hữu cơ theo chuỗi, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và đối tác đưa sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, Chương trình đang hỗ trợ và thúc đẩy 41 HTX/ THT sản xuất các sản phẩm hữu cơ, như : quế, hồi, bưởi, gạo nếp tài, lúa, bí xanh thơm, rau, dong riềng đỏ, thảo dược, khôi nhung, gừng, dâu tằm. Gần 3000 ha các sản phẩm từ rừng và trang trại đã được chứng nhận hữu cơ, trong đó có nhiều diện tích được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Chương trình FFF II triển khai từ năm 2019 |
Áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong chương trình FFF
Từ năm 2019, khi bắt đầu triển khai giai đoạn II, Chương trình FFF đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA), Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, PGS Việt Nam mở lớp đào tạo giảng viên/ thúc đẩy viên, lãnh đạo các HTX, nông dân tiềm năng về nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2-2017, tiêu chuẩn hữu cơ PGS, cách thức tổ chức và vận hành Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) cho cán bộ, thúc đẩy viên Hội Nông dân, các cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La. Đây là những cán bộ, thúc đẩy viên đầu tiên của các tỉnh được đào tạo cơ bản, hiểu về nông nghiệp hữu cơ, các tiêu chuẩn hữu cơ và hệ thống PGS để vừa tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hành canh tác hữu cơ, lựa chọn tiêu chuẩn hữu cơ áp dụng, vừa tham mưu xây dựng hệ thống PGS tại các tỉnh và các địa phương
Lớp TOT 2019 tại ĐH Lâm nghiệp |
Mô hình PGS Bắc Kạn, Hội Nông dân Bắc Kạn
Được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF), các khoá đào tạo cho đội ngũ cán bộ nòng cốt của Hội Nông dân Bắc Kạn các cấp, cán bộ ngành Nông nghiệp và đại diện các nhóm nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai tại cơ sở.
Sau khi tổ chức các khoá tập huấn, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông qua các hội nghị bàn tròn, các lớp tập huấn thực hành trên đồng ruộng, các buổi sinh hoạt chi hội, thăm quan các nhóm nông dân hữu cơ tại các địa phương khác, tuyên truyền thông qua các tin, bài, phóng sự đăng trên báo, Đài PTTH tỉnh và Website Hội Nông dân tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh về thành lập Ban Điều phối PGS Bắc Kạn để quản lý, giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ PGS cho các THT, HTX, các nhóm nông dân sản xuất hữu cơ.
Tháng 02/2021, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Điều phối PGS Bắc Kạn. Ban Điều phối thường xuyên được bổ sung, kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự. Hiện nay, Ban Điều phối PGS Bắc Kạn có 18 thành viên, gồm đại diện các cơ quan: Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Đại học Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh, đại diện lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể, Chợ Đồn; đại diện một số HTX sản xuất hữu cơ trên địa bàn.
Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh |
Ban Điều phối đã xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Điều phối, Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ PGS Bắc Kạn. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch và kết quả sản xuất của các THT, HTX, BĐP tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, ban hành các Quyết định công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ PGS Bắc Kạn cho các HTX/THT đủ điều kiện và tiêu chuẩn.
Trong thời gian qua, Ban Điều phối PGS Bắc Kạn đã tích cực truyền thông về vai trò, lợi ích của sản xuất hữu cơ cho hội viên nông dân, các THT , HTX trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các thành viên của các HTX, THT tại các xã đang tham gia Chương trình FFF (xã Phương Viên – huyện Chợ Đồn; xã Mỹ Phương, Yến Dương – huyện Ba Bể). Đồng thời tiến hành lựa chọn địa bàn, loại sản phẩm có tiềm năng để xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.
Nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đào tạo, đến nay các nhóm nông dân hữu cơ đã cơ bản hiểu được các quy định tiêu chuẩn của sản xuất hữu cơ PGS và cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ những sản phẩm nông sản (bí thơm, Nếp Tài) được chứng nhận hữu cơ, các HTX đã chế biến thành các sản phẩm như: Trà bí thơm, miến rong, bánh chưng,… đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, nông dân thấy được lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ về sức khỏe, môi trường, hệ sinh thái, tăng cường sự hợp tác trong nông dân và cộng đồng. Kết quả từ năm 2021 đến nay, Ban Điều phối đã cấp chứng nhận cho một số nông sản.
Mô hình lúa nếp Tài hữu cơ |
Về thị trường tiêu thụ: Các sản phẩm hữu cơ PGS Bắc Kạn đã được các HTX kết nối tiêu thụ tại thị trường địa phương và các tỉnh, tại chuỗi các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP: tại Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai,… Chuỗi Bigreen, Bác Tôm, Sói Biển, Thiên Phúc, Đặc sản Việt, Tâm An Lạc, Big C,… Ngoài ra, Ban điều phối PGS Bắc Kạn còn hỗ trợ đưa các sản phẩm hữu cơ lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Các sản phẩm được công nhận hữu cơ đã có giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường 30-50%
Để đạt được những kết quả trên, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Ban Điều phối PGS Bắc Kạn luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, có sự hỗ trợ của Chương trình FFF, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (COA) và sự ủng hộ của nông dân, các THT, HTX, đặc biệt là các lãnh đạo HTX, nông dân tích cực đã biết dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu ở địa phương phù hợp, đã mạnh dạn thay đổi sang canh tác hữu cơ, sau khi đã được học, có kiến thức cơ bản về sản xuất hữu cơ, tích cực thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hữu cơ và hệ thống PGS, thực hiện theo kế hoạch của HTX/ THT. Nhờ vậy, một số HTX đã kết nối được với các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng nông sản sạch để tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ ở các tỉnh lân cận.
Sản phẩm gạo nếp Tài được chứng nhận hữu cơ |
Tuy nhiên, vẫn còn các THT, HTX và người nông dân chưa được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về sản xuất hữu cơ. Trình độ nhận thức nông dân không đồng đều, đã quen với tập quán canh tác sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hoá học, trong khi sản xuất hữu cơ phải tuân thủ các tiêu chuẩn “nghiêm ngặt” và đầu tư nhiều công hơn. Người nông dân chưa quen với việc ghi chép sổ sách, nhật ký sản xuất theo quy định của sản xuất hữu cơ. Vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân chưa hiểu đầy đủ về sản xuất hữu cơ nên diện tích, sản lượng sản phẩm vẫn còn ít.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân Bắc Kạn, Ban Điều phối PGS Bắc Kạn sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, quan tâm hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ; lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng về vai trò, lợi ích của sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ và hệ thống PGS, vận động nông dân, THT, HTX mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ; đầu tư chế biến các sản phẩm hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, gia tăng chế biến, hỗ trợ các THT, HTX xúc tiến thương mại qua nhiều kênh khác nhau, qua thương mại điện tử nhằm giúp nông dân vừa sản xuất sản phẩm có chất lượng, vừa tiếp cận thị trường và khách hàng tốt hơn, gia tăng lợi ích cho nông dân và các bên trong chuỗi sản xuất hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Vũ Lê Y Voan, cố vấn cao cấp Chương trình FFF - Hà Thị Thoa, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, thành viên BĐP PGS Bắc Kạn