Nhân dịp PGS Việt Nam (Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia) chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ 7 (Nhiệm kỳ 2024-2026), phóng viên Tạp chí Hữu cơ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối PGS Việt Nam để có một cái nhìn tổng quan về những giá trị, sự phát triển của PGS Việt Nam và kế hoạch của PGS Việt Nam trong tương lai.
Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam Từ Thị Tuyết Nhung (ngoài cùng bên phải) luôn đồng hành cùng bà con nông dân suốt 15 năm qua. |
PV: Xin bà cho biết bức tranh toàn cảnh của PGS Việt Nam sau 15 năm thành lập từ 2008?
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: PGS Việt Nam ra đời vào cuối 2008 trong một dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở miền Bắc Việt Nam” (2005-2012) do tổ chức phi Chính phủ ADDA (Đan Mạch) và Hội nông dân Việt Nam thực hiện.
Lúc đó thị trường chưa có khái niệm về hữu cơ, nhà nước cũng chưa có bất cứ chính sách nào cho nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn đang bị mất đi sau nhiều sự vụ về ngộ độc, về sự không minh bạch của các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm.
Một thách thức vô cùng lớn là làm thế nào giới thiệu sản phẩm hữu cơ ra thị trường trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, làm sao có thể tạo động lực cho nông dân nếu sản phẩm hữu cơ được làm ra không thể bán được, không tạo được sinh kế cho nông dân, sẽ không ai muốn tiếp tục sản xuất dù là an toàn hay hữu cơ.
Chính sự quyết tâm chuyển đổi của nông dân, sự ủng hộ to lớn về chính sách đất đai của chính quyền địa phương, đặc biệt sự cam kết của các doanh nghiệp tiến bộ, các cửa hàng thực phẩm sạch như: Bác Tôm, Tâm Đạt, Phúc Đại Việt, Tràng An, Greenlife lúc đó và tiếp theo sau này là Sói Biển, Biggreen vv… đã dần thuyết phục người tiêu dùng khi họ được cùng tham gia vào PGS, chứng kiến những khó khăn và nỗ lực vượt khó của nông dân.
Thị trường đã chấp nhận các sản phẩm hữu cơ PGS đầu tiên, người tiêu dùng tìm kiếm nhiều hơn các sản phẩm của PGS, người ta nói nhiều hơn đến cụm từ “hữu cơ”, báo đài, TV đưa tin nhiều hơn về một mạng lưới minh bạch có sự tham gia cộng đồng để đảm bảo chất lượng. Mọi người tò mò dõi theo một mạng lưới nông dân vẫn duy trì sản xuất hữu cơ và vận hành giám sát dù dự án đã kết thúc. Chính những bằng chứng sống động của những vùng sản xuất hữu cơ PGS, chứng kiến sự bền bỉ của nông dân và một thị trường hữu cơ địa phương mới nổi đang định hình đã thúc đẩy ra đời các chính sách cho NNHC hiện nay ở Việt Nam.
Tham gia vào PGS đã làm tăng nhận thức và năng lực của người sản xuất, người kinh doanh và các tổ chức địa phương trong quá trình cùng vận hành hệ thống, cùng giải quyết khó khăn và cùng ra quyết định mang tính sống còn cho sự tồn tại và phát triển của hệ thống. PGS đã tập hợp nông dân sản xuất nhỏ tạo một mạng lưới cơ sở có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức sản xuất có kỷ luật và thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng qua việc đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tận bàn ăn.
PGS còn tạo môi trường cho nông dân sản xuất nhỏ tham gia các cuộc hội họp, sự kiện các chương trình đào tạo để học tập, giao lưu và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm sản xuất với nhau. Qua đó, nông dân PGS tự chủ, tự tin thiết lập và cải thiện mối quan hệ của họ với cộng đồng và xã hội, tạo ra những sản phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe của chính nông dân và của xã hội, góp phần cải thiện vấn đề về môi trường sinh thái trong cộng đồng làng xã.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung (thứ 2 từ trái sang) tham dự Lễ tri ân người nông dân hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) do chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển tổ chức |
PV: PGS là một phương pháp tiếp cận rất mới ở Việt nam. Nhưng mới thì thường không dễ, vậy làm thế nào PGS Việt Nam có thể giải thích để bà con nông dân hiểu và làm theo một cách tự nguyện, thưa bà?
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Khi vận dụng PGS vào năm 2008 theo hướng dẫn của IFOAM, cụm từ được dịch sang tiếng Việt là “Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia”, không chỉ mỗi nông dân mà tất cả mọi người đều chưa biết thực chất nó là gì, dù dự án mời chuyên gia từ IFOAM sang hỗ trợ, tổ chức các cuộc hội thảo về PGS, phát triển tài liệu hướng dẫn cùng các mẫu biểu hỗ trợ.
Thiết kế hệ thống không khó, chỉ khi thực sự bắt tay vào vận hành một hệ thống ở đó trọng tâm là đảm bảo chất lượng có sự tham gia trực tiếp của nông dân là một thách thức rất lớn. Một hệ thống có sự tham gia của cả doanh nghiệp, của người tiêu dùng, vừa vận hành, vừa học qua thực tiễn, vừa rút kinh nghiệm và cải tiến qua việc xử lý các tình huống thực tế mới dần hiểu cặn kẽ về bản chất của một hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia của nhiều bên, không chỉ trong giám sát, công nhận và hỗ trợ sản xuất mà còn giúp nông dân kết nối sản phẩm ra thị trường.
Cũng có nhiều nông dân đã không trụ lại được vì thấy tham gia vào PGS họ phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe, phải làm việc có tổ chức và phải biết tôn trọng kỷ luật. Dần dà, không chỉ mỗi nông dân, mà hầu hết mọi người tham gia vào PGS mới vỡ nhẽ nhiều thứ, mới hiểu PGS đã làm cho mình thay đổi. Mọi người đều ý thức hơn, tự tin hơn, và đặc biệt là nông dân nhận thức tốt hơn về lợi ích và trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội họ phải mang khi tham gia vào PGS.
Có 2 yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục nông dân tự nguyện tham gia, đó là luôn có các doanh nghiệp tiến bộ bên cạnh cùng giám sát và hỗ trợ ngay từ đầu để vừa làm thị trường vừa xây dựng niềm tin của khách hàng. Hai là duy trì đều đặn các cuộc họp sinh hoạt của liên nhóm để đôn đốc, hỗ trợ sản xuất và giải quyết khó khăn kịp thời.
Nông dân sẽ vững tin sản xuất đặc biệt ở giai đoạn đầu chuyển đổi khi hệ sinh thái đồng ruộng chưa ổn định, họ sẽ có cảm giác không bị bỏ quên. Một yếu tố không thể thiếu, đó là sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền địa phương để phối hợp tổ chức các cuộc họp với nông dân, hỗ trợ các chính sách đất đai, quy hoạch tạo điều kiện cho nông dân sản xuất và vận hành quản lý theo nhóm.
Niềm vui được mùa, được giá của bà con khi tham gia hệ thống PGS Việt Nam |
PV: Được biết, kể từ khi có PGS đầu tiên xuất hiện vào 2008, sau 15 năm, bà có thể cho biết PGS đã phát triển ra sao?
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Ra đời vào cuối 2008 trong bối cảnh Chính phủ khi đó chưa có chính sách cho NNHC và một thị trường mất niềm tin, PGS Việt Nam ra đời là một phương pháp tiếp cận rất mới Việt Nam chưa từng có ai để học hỏi.
Như một người tiên phong vận dụng những đổi mới, lại áp dụng vào quản lý chất lượng hữu cơ cho đối tượng sản xuất là những nông dân quy mô nhỏ có thói quen tự do sản xuất. Đương đầu với muôn vàn khó khăn, PGS đã xác định dựa vào sự hỗ trợ của các phong trào NNHC quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.
Ngay sau khi thành lập, mặc dù Nhà nước chưa chú trọng phát triển NNHC, PGS đã trở thành thành viên của IFOAM quốc tế năm 2009, xây dựng bộ tiêu chuẩn PGS hướng dẫn nông dân sản xuất và trình IFOAM để được đánh giá công nhận vào 2013. PGS tham gia INOFO (Liên lục địa các tổ chức nông dân hữu cơ) với tư cách một thành viên tích cực vào năm 2014, và trở thành thành viên IFOAM châu Á vào năm 2017.
PGS Việt Nam hoạt động cùng sự tham gia nghiêm túc của các bên liên quan để bảo đảm chất lượng trong nước và hưởng ứng tích cực các phong trào NNHC Quốc tế do IFOAM phát động. Nhìn lại những bước đi của PGS trong 15 năm qua, mới thấy tiến trình phát triển của PGS Việt Nam nói riêng còn khá chậm, nhưng điều đó cho thấy sự cẩn trọng và trung thành với giá trị cốt lõi của PGS.
Từ một hệ thống PGS khởi xướng ban đầu đặt tên PGS Việt Nam, với hơn 190 nông dân của 24 nhóm tự nguyện ở lại khi kết thúc dự án năm 2012, tiếp tục sản xuất trên 17 ha ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), cùng các doanh nghiệp quyết tâm duy trì hệ thống PGS, tự nguyện nộp phí thành viên để trang trải hoạt động. Thời điểm huy hoàng nhất vào 2016, PGS Việt Nam kết nạp thêm thành viên từ Hà Nam với tên gọi Liên nhóm hữu cơ Trác Văn thuộc huyện Duy Tiên. Số nông dân tham gia lên tới hơn 300 sản xuất trên diện tích 30 ha, đã đưa 800 tấn rau hữu cơ ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, đạt giá trị thu nhập 400-500 triệu/ha/năm. Đến nay số nông dân tham gia trong PGS Việt Nam giảm chỉ còn 140 người với diện tích 47 ha.
PGS dù có lúc thăng lúc trầm, nông dân tham gia ngày càng thêm già thêm yếu, đất đai sản xuất ngày càng thu hẹp dành cho các dự án phát triển đô thị, phải đối mặt với nhiều thách thức mới về nhân công lao động, mặc dù vậy, phương pháp tiếp cận của PGS được nhiều nơi áp dụng để hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ không có đủ năng lực chi trả cho sự đảm bảo chất lượng của bên thứ 3.
Đến nay đã có 17 hệ thống PGS khác nhau ở 13 tỉnh thành ở cả 3 miền Bắc Trung Nam với sự tham gia của hơn 2.000 nông dân. Đây cũng chính là tác động tích cực từ chính sách của Nhà nước đã khuyến khích nông dân tham gia vào PGS nhằm tạo sinh kế ổn định và bền vững cho nông dân ở các địa phương, nhưng cũng là một thách thức nếu các hệ thống mới ra đời hoạt động không đúng với giá trị cốt lõi của PGS.
PV: Nhìn lại chặng đường đã qua, điều gì khiến PGS Việt Nam tự hào nhất? Bà có thể chia sẻ chủ trương của PGS Việt Nam trong nhiệm kỳ sắp tới?
Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Nhìn lại những bước đi của PGS trên chặng đường 15 năm, cho thấy sự cẩn trọng và trung thành của PGS với giá trị cốt lõi của mình. Tự chủ, tự trang trải hoạt động và gây dựng được sự tin yêu của người tiêu dùng, PGS Việt Nam thực sự tự hào là một trong 9 PGS được IFOAM - một tổ chức phát triển NNHC quốc tế có uy tín nhất chính thức công nhận trong số 323 PGS của 77 quốc gia đang áp dụng PGS.
Trong nước, PGS tự hào là ngọn cờ đầu tiên phong trong phong trào phát triển NNHC, lan tỏa giá trị nhân văn và được Chính phủ ghi nhận đưa vào nghị định 109/2018/NĐ-CP khuyến khích nông dân tham gia vào PGS.
Tuy nhiên, PGS Việt Nam cần có những cải tiến linh hoạt, năng động và đổi mới là chủ trương phát triển PGS Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Để làm được điều này, không chỉ cần một Ban điều phối mới tinh gọn, là những người mong muốn được cống hiến, dám cho đi, mà còn cần có một trưởng ban điều phối trẻ tuổi, có tâm huyết, biết khiêm nhường, không chỉ là đủ uy tín để dẫn dắt, mà cần có tri thức, có tư duy năng động, sáng tạo, và biết thấu hiểu chia sẻ với nông dân, nhưng vẫn phải đảm bảo một hệ thống nghiêm minh như đã và đang suốt 15 năm qua.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.