![]() |
Sau sáp nhập, quả thanh long đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lâm Đồng |
Thanh long là một trong 40 mặt hàng xuất khẩu lợi thế quốc gia và nằm trong danh sách 12 loại trái cây có ưu thế cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, khu vực Bình Thuận, nay là địa bàn ven biển của tỉnh Lâm Đồng (mới), vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và chất lượng thanh long. Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cũng là nhãn hàng thứ 4 được Nhà nước bảo hộ tên gọi độc quyền trên phạm vi cả nước, khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Trong nửa đầu năm 2025, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định ở mức 26.300 ha, với sản lượng ước đạt 326.000 tấn, tăng 2,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu thanh long Bình Thuận đã đóng góp khoảng 6,8 triệu USD cho nhóm nông sản địa phương, tăng hơn 30% so với cùng kỳ và đạt gần 70% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, việc mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, khoảng 85% tổng sản lượng thanh long Bình Thuận được xuất khẩu, nhưng chỉ có khoảng 2-3% qua đường chính ngạch, phần lớn còn lại là giao dịch theo hình thức biên mậu và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Điều đáng nói là Trung Quốc đang gia tăng diện tích trồng thanh long và tiến tới chủ động nguồn cung, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ. Trong khi đó, việc mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Mỹ hay các thị trường tiềm năng khác lại gặp nhiều rào cản, phải cạnh tranh gay gắt với thanh long từ Mexico, Ecuador. Đối với thị trường nội địa, sức "hấp thụ" chỉ khoảng 15% tổng sản lượng, giá cả bấp bênh và phải cạnh tranh với nhiều loại trái cây khác.
Nhận thức rõ những thách thức này, Lâm Đồng (mới) đã và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để phát triển và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ thanh long thông qua cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tạo cơ hội cho các bên liên quan gặp gỡ, ký kết hợp đồng tiêu thụ thanh long tươi và các sản phẩm chế biến từ thanh long như rượu, nước ép, thanh long sấy khô – sấy dẻo, mì thanh long...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh thanh long tham gia các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Nhiều nội dung liên quan đến xúc tiến thương mại thanh long đã được lồng ghép vào Chương trình Xúc tiến thương mại, Chương trình Khuyến công của tỉnh và quốc gia, giúp doanh nghiệp địa phương có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, liên kết để hoàn thiện quy trình công nghệ và chế biến, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.
Trong thời gian tới, ngành Công Thương địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm thanh long Bình Thuận. Việc tổ chức các đoàn khảo sát, giao thương theo chương trình của các bộ, ngành Trung ương sẽ được đẩy mạnh để tìm hiểu và phát triển thêm các thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh hợp tác giao thương, kết nối cung – cầu với các tỉnh, thành trong nước, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho thanh long trên thị trường nội địa.
Đáng mừng là hiện nay, Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận đã được Liên minh Châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu "Bình Thuận Dragon Fruit" cũng đã được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ gia hạn bảo hộ, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Hong Kong. Đây là những tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội lớn cho thanh long Lâm Đồng (mới) trên hành trình chinh phục thị trường quốc tế./.