Năm 2024, Trà Vinh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mới và duy trì 37 mã số vùng trồng xuất khẩu, tăng 8 mã số so với năm 2023 - Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao chất lượng nông sản và đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên quan trọng. Nhận thức được điều này, tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết người tiêu dùng trong và ngoài nước hiện nay rất quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn của nông sản. Do đó, việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản là yếu tố then chốt để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Năm 2024, Trà Vinh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mới và duy trì 37 mã số vùng trồng xuất khẩu, tăng 8 mã số so với năm 2023, cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, dừa, sầu riêng, xoài, chuối, mít... với tổng diện tích hơn 2.900 ha. Tỉnh cũng đã cấp 62 mã số vùng trồng, vùng nuôi trong nước, tăng 12 mã số so với năm trước, với tổng diện tích hơn 3.968 ha.
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp nông sản Trà Vinh tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn nâng cao giá trị và uy tín cho sản phẩm. Ông La Quốc Yên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp – thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, huyện Châu Thành, chia sẻ: "Trong 2 năm qua, hợp tác xã duy trì được mã số vùng trồng lúa xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 110 ha. Nhờ đó, hơn 80% sản lượng lúa của hợp tác xã được xuất khẩu với giá cao hơn thị trường từ 150-200 đồng/kg, giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể".
Để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng và hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Dự kiến sẽ có khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu và từ 20-40 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập cho người nông dân.
Năm 2024, Trà Vinh ước tính có hơn 29.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như tưới phun bán tự động, nhà lưới, thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của tỉnh trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.