Vùng trồng chè thuộc Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) |
Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Truy xuất nguồn gốc hiện nay là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Bởi sự quan tâm của người tiêu dùng hiện nay, không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến với khách hàng, nhất là với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ con người. Đây là một điều kiện để nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường rộng lớn và khó tính trên thế giới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt Nam trước sức ép hội nhập quốc tế.
Được Sở Nông nghiệp và PTNT giao chủ trì thực hiện Dự án: Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với đơn vị tư vấn hướng dẫn nông dân tại 05 vùng trồng và 02 cơ sở đóng gói thiết lập vùng trồng cơ sở đóng gói. Hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Kết quả, Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp 05 mã số vùng trồng và 02 mã số cơ sở đóng gói chè đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường EU và thị trường Trung Quốc. cụ thể: 02 mã số vùng trồng chè, diện tích 20 ha tại Tổ hợp tác Hương Chè Vĩnh Tân và Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); 01 mã số vùng trồng bưởi với diện tích 10 ha tại Tổ hợp tác sản xuất bưởi Soi Hà ( xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); 02 mã số vùng trồng lạc của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Quang và Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang với diện tích 20 ha; 02 mã số cơ sở đóng gói của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm và Tổ hợp tác Hương chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Vùng trồng bưởi thuộc Tổ Hợp tác sản xuất bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang |
Ngoài thực hiện các nội dung dự án, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tuyên truyền, hướng dẫn 04 tổ chức hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp 08 mã số vùng trồng (07 mã số vùng trồng chè của Công ty cổ phần chè Sông Lô và Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang với diện tích 97,074 ha đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường EU và 01 mã số vùng trồng thanh long của Hợp tác xã Nông nghiệp Ánh Dương (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) với diện tích 10 ha đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Qua quá trình triển khai công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 13 mã số vùng trồng xuất khẩu (09 mã số vùng trồng chè và 01 mã số vùng trồng bưởi đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU; 01 mã số vùng trồng Thanh Long; 02 mã số vùng trồng lạc đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc) tổng diện tích 159,07 ha với 367 hộ tham gia và 02 cơ sở đóng gói chè đủ điều kiện xuất khẩu đi thị trường EU
Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đây là điều kiện để xuất khẩu nông sản sang các thị trường quốc tế. Tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số đã thực hiện các quy định của Việt Nam và quy định của nước nhập khẩu về các điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đến thăm Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu vào EU, chị Lê Thị Thu - đội trưởng đội 23 Quyết Thắng cho biết: các hộ khoán thuộc đội sản xuất tại vùng trồng luôn tuân thủ theo quy trình Rainforest Công ty đang áp dụng, tuân thủ theo yêu cầu về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của thị trường EU, quản lý sâu bệnh gây hại theo chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Tất cả các lứa hái chè tại đội đều được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn của EU trước khi xuất khẩu và đạt yêu cầu theo quy định.
Sản phẩm chè đen của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm xuất khẩu sang thị trường EU được tiêu thụ ổn định, không tồn đọng hàng, giá bán tăng 2.000 đồng/01kg so với sản phẩm chè xuất đi các thị trường khác. Sản phẩm chè xanh của Tổ hợp tác hương chè Vĩnh Tân, huyện Sơn Dương sau khi được cấp mã số vùng trồng, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, giá bán tăng từ 30.000 đồng-50.000 đồng/kg chè xanh.
Đây là tiền đề để nhân rộng, áp dụng và trong sản xuất đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho người sản xuất.