Toàn tỉnh Thái Nguyên đã quản lý 88 mã vùng trồng với tổng diện tích xấp xỉ 513 ha, tăng 14 mã so với 4 tháng trước - Ảnh minh họa. |
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã quản lý 88 mã vùng trồng với tổng diện tích xấp xỉ 513 ha, tăng 14 mã so với 4 tháng trước. Trong đó, chè là sản phẩm chiếm ưu thế với 56 mã vùng trồng, tiếp đến là lúa với 22 mã, cây ăn quả với 8 mã, măng lục trúc và rau mỗi loại 1 mã.
Các mã vùng trồng được cấp bao gồm 55 mã nội tiêu với diện tích trên 249 ha và 33 mã xuất khẩu với diện tích gần 264 ha. Chè tiếp tục là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu với 25 mã vùng trồng được cấp.
Việc cấp mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đối với người sản xuất, mã số vùng trồng giúp kiểm soát quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, từ đó nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản. Đối với người tiêu dùng, mã số vùng trồng giúp nhận biết nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo sự an tâm khi lựa chọn.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá các mã vùng trồng hiện đang hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Để tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả, ngành đang tăng cường hỗ trợ tư vấn, giám sát mở mã vùng trồng mới tại các địa phương theo nhu cầu của người dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Thái Nguyên là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao. Việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời khẳng định vị thế và thương hiệu nông sản Thái Nguyên trên thị trường.