Nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. |
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam đã có từ lâu với mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng); Mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt sấy lúa; Mô hình lấy rơm rạ để trồng nấm rơm hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ cải tạo đất; rơm, rạ làm thức ăn cho gia súc... Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022.
Trong Đề án này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
- Thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy hải sản).
- Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH (viết tắt là OCOC).
Mô hình ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn trong sản xuất phân bón hữu cơ và chất đệm nền chuồng từ nước thải chăn nuôi của Tập đoàn TH. |
Đất đai là tài nguyên, tài sản, nguồn lực quan trọng và là tư liệu sản xuất chính không thể thay thế trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Chính sách, pháp luật đất đai có thể được coi là “Chính sách mẹ” trong nông nghiệp; có tác động mạnh mẽ đến xu hướng phát triển nông nghiệp. Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi (sau đây viết tắt là Luật) gồm 16 chương và 260 điều, trong đó có nhiều nội dung có tác động mạnh mẽ đến phát triển nông nghiệp tuần hoàn, cần được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực thi hành. Một số những quy định mới trọng tâm như sau:
Một là, về người sử dụng đất nông nghiệp: Điều 4 của Luật quy định về người sử dụng đất gồm: Tổ chức trong nước; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; cộng đồng dân cư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, Luật đã bổ sung quy định người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; đồng thời bỏ quy định người sử dụng đất là hộ gia đình. Như vậy, khi Luật có hiệu lực thi hành người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quyền sử dụng đất sẽ tạo điều kiện huy động thêm nguồn lực trong sử dụng đất đai có hiệu quả hơn trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Hai là, về phân loại đất nông nghiệp: Điều 9 của Luật quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm 7 loại: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất chăn nuôi tập trung; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác. Nhóm đất chưa sử dụng đã được sửa là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Theo đó, Luật đã bổ sung nhóm đất chăn nuôi tập trung tạo điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Trong nhóm đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Quy định này, khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở xây dựng các tiêu chí quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường thống nhất.
Ba là, về điều kiện thực hiện một số quyền của người sử dụng đất: Quy định tại Điều 45 của Luật về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Theo đó, cần sớm rà soát, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với những trường hợp đã sử dụng ổn định lâu dài không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch theo quy định của Luật. Đối với đất lâm nghiệp có rừng sẽ tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Thứ tư là, về thu hồi, bồi thường cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi: Điều 79 của luật quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, Nhà nước thu hồi đất trong 32 trường hợp thật cần thiết. Trong đó, Luật bổ sung quy định thu hồi để thực hiện dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung có quy mô lớn, tập trung, dự án trồng, bảo tồn gen cây thuốc để phát triển dược liệu y học cổ truyền. Việc quy định chi tiết 32 trường hợp thu hồi đất là một bước tiến lớn, chi tiết, liệt kê rõ ràng, cơ bản đầy đủ trong thực tế, đảm bảo sự minh bạch, khắc phục được tính chất chung chung trong quy định cũ bảo đảm quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất.
Luật đã quy định đa dạng hình thức bồi thường cho người có đất bị thu hồi, đảm bảo quyền lợi và quyền lựa chọn hình thức bồi thường cho người có đất thu hồi bằng tiền, bằng đất có cùng mục đích sử dụng, bằng nhà ở và bằng đất khác mục đích sử dụng nếu người bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất. Quy định đền bù bằng đất khác sẽ tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp an tâm sản xuất, bảo đảm đời sống của người dân có đất bị thu hồi theo hướng tốt hơn, giải quyết hài hòa lợi ích khi thu hồi đất, giảm khiếu kiện về đất đai liên quan đến thu hồi đất. Luật Đất đai 2024 quy định Bảng giá đất hàng năm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo nguyên tắc thị trường đảm bảo nguyên tắc xác định sát thị trường và đồng bộ với quy định về định giá đất.
Năm là, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp: Điều 122 của Luật quy định: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư. Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất do Chính phủ quy định. Điều 121 của Luật quy định chuyển đất lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Với quy định trên vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ quỹ đất lúa, đất rừng vừa giảm bớt các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án, trong đó có các dự án phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Về giao đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: Tại Điều 184, Điều 185, Điều 186 quy định: Các trường hợp được Nhà nước giao đất rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất, giao đất rừng phòng hộ, giao đất rừng đặc dụng; tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân thuê đất rừng sản xuất được xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương lập dự án di dân, tái định cư trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
Sáu là, về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp: Tích tụ và tập trung đất trong nông nghiệp đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trên cả nước xuất phát từ nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn, yêu cầu truy xuất nguồn gốc khắt khe của thị trường và đòi hỏi ứng dụng công nghệ mới cả về công nghệ sinh học, công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Đây là lần đầu tiên Luật Đất đai quy định cụ thể về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Tích tụ và tập trung đất cũng góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng cường thu hút đầu tư và quản trị tiến bộ, kích thích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Điều 192 của Luật quy định về tập trung đất nông nghiệp thông qua 3 phương thức: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất; Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Điều 193 của Luật quy định về tích tụ đất bằng 2 phương thức: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, với các quy định, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các bên trong việc thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại.
Bảy là, về sử dụng đất kết hợp đa mục đích: Theo Điều 218 về sử dụng đất kết hợp đa mục đích trong nông nghiệp gồm: Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;…Với những quy định trên sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến, tái chế phế phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tám là, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Luật dành riêng điều 248: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15”, có hiệu lực thi hành từ 01/4/2024:
- Sửa đổi, bổ sung khoản khoản 2 Điều 14 như sau: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định”. Và Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 “Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
- Điều 20: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí”. Để quản lý rừng chặt chẽ, hiệu quả song song với phân cấp, Chính phủ cần sớm ban hành tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng.
Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 23 về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định: “Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân; Giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với cộng đồng dân cư; Thu hồi rừng đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai”.
- Bổ sung nuôi, trồng, thu hoạch dược liệu trong rừng đặc dụng, nhằm phát huy giá trị rừng đặc dụng theo khoản 7. Sửa đổi, bổ sung tên điều, khoản 5 và bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 53 như sau: “Điều 53. Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng”.
“Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60: “ Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Ảnh: Minh họa |
Luật Đất đai 2024 với nhiều quy định mới trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp về phân loại đất; đối tượng sử dụng đất; quản lý sử dụng đất lúa, đất rừng; các quy định về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; sử dụng đất đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng đất của Nhà nước… đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy hiệu quả sử dụng đất, gắn giữa sản xuất, chế biến và thương mại nông, lâm, hải sản, tái chế phụ phẩm nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.