![]() |
Sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc Hà Đông. |
Thành phố Hà Nội được gọi là “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề, trong đó có 327 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận; có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
Trong số làng nghề, nghề truyền thống có nhiều làng nghề sản xuất lụa như Vạn Phúc, La Khê (Hà Đông), Phùng Xá (Mỹ Đức). Đây là tài nguyên lớn để phát triển sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tuy nhiên, các làng nghề sản xuất lụa truyền thống của TP Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong đó phải kể đến là sự thiếu hụt và phụ thuộc về nguồn nguyên liệu tơ tằm. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hiện nhu cầu ổn định nguồn nguyên liệu đối với các làng nghề Hà Nội khoảng 50.000 tấn/năm tơ tằm đối với nghề dệt, thêu… Việc chủ động nguồn nguyên liệu tơ tằm không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Hà Nội.
Trong dòng chảy của Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngành dệt lụa truyền thống của Hà Nội đang nỗ lực khẳng định vị thế, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả quốc tế. Dệt lụa là ngành đòi hỏi sự tinh tế và chất lượng đồng bộ, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm hoàn thiện. Trong đó, tơ tằm là “hồn cốt” của nghề, quyết định phần lớn chất lượng tấm lụa. Thế nhưng, hiện phần lớn các cơ sở dệt lụa tại Hà Nội vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu một cách ổn định, giá cả cạnh tranh.
![]() |
Chủ động nguyên liệu giúp các sản phẩm lụa OCOP Hà Nội nâng hạng sao, tự tin tiếp cận thị trường quốc tế bài bản và hiệu quả. |
“Xưa kia, người Vạn Phúc vẫn tự trồng dâu, nuôi tằm, nhưng hiện nay, do đô thị hóa nên nguồn nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập từ các địa phương khác, như: Hà Nam, Lâm Đồng, Quảng Nam… Nguồn tơ trong nước ngày càng hiếm, giá cao và không đều màu nên có thời điểm, các cơ sở buộc phải sử dụng tơ nhập khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và làm giảm tính truyền thống của lụa Hà Nội”, bà Trần Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho hay.
Cũng theo bà Lan chia sẻ thì trung bình mỗi năm, làng nghề sản xuất khoảng 100.000m lụa các loại, trong đó có khoảng 39.000m lụa tơ tằm và 61.000m lụa tơ bóng. Doanh thu từ làng nghề đạt khoảng 16,7 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của làng nghề, Vạn Phúc cần khoảng 10,8 tấn tơ mỗi năm.
Nếu chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ giúp các cơ sở sản xuất bảo đảm về chất lượng - yếu tố sống còn với sản phẩm OCOP khi bước vào sân chơi lớn. Hơn nữa, tự chủ nguyên liệu giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng thủ công truyền thống đang nỗ lực thâm nhập sâu vào các kênh thương mại điện tử, siêu thị, xuất khẩu. Đây cũng là bước đi tất yếu để sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, đáp ứng các quy định khắt khe về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc
Phát triển sản phẩm OCOP ngành dệt lụa Hà Nội không thể tách rời việc chủ động nguyên liệu. Đây là đòi hỏi vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong tiến trình gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của Thủ đô. Chủ động nguyên liệu không chỉ giúp kiểm soát chất lượng, giảm phụ thuộc, mà còn tạo ra một chuỗi giá trị khép kín, kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đó cũng là điều kiện cần để các sản phẩm lụa OCOP Hà Nội nâng hạng sao, tiếp cận thị trường quốc tế một cách tự tin, bài bản và hiệu quả.
Để tháo gỡ “nút thắt” nguyên liệu, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) Phan Thị Thuận cho biết, đơn vị vẫn duy trì diện tích trồng dâu và nuôi tằm khu vực bãi ven Đáy. Ngoài trực tiếp trồng dâu nuôi tằm, công ty còn liên kết chuỗi giữa người trồng dâu - cơ sở nuôi tằm - hộ dệt, góp phần ổn định đầu ra, tạo niềm tin để nông dân gắn bó lâu dài. Hiện công ty có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có “Chăn tơ tằm tự dệt” đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Tháo gỡ khó khăn cho phát triển các sản phẩm OCOP từ nghề dệt, mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và đại diện Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng, bàn về liên kết tổ chức chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, sản phẩm tơ tằm nói riêng. Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội đã đăng ký nhu cầu tiêu thụ tơ tằm Lâm Đồng theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ quy trình kỹ thuật sản xuất đến thu hoạch. Hiện, tỉnh Lâm Đồng có vùng trồng dâu lớn nhất cả nước với khoảng 700ha, diện tích chuyển đổi sang giống dâu mới năng suất cao khoảng 300ha, năng suất bình quân từ 22-23 tấn/ha. Toàn tỉnh có hơn 150 cơ sở thu mua kén, 36 cơ sở ươm tơ.
Trong năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại về lĩnh vực tơ tằm quy mô cả nước và quốc tế, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Lâm Đồng và Hà Nội kết nối giao thương, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, lâu dài. Trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với Chương trình OCOP, việc đầu tư cho vùng nguyên liệu lụa chính là đầu tư cho tương lai của một ngành nghề có truyền thống hàng trăm năm. Chính từ sự chủ động hôm nay, sản phẩm lụa OCOP Hà Nội sẽ ngày càng khẳng định vị thế, là niềm tự hào của đất Kinh kỳ, góp phần lan tỏa thương hiệu văn hóa Việt ra thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune, One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP được nhiều nước trên thế giới triển khai với các tên gọi khác nhau, nhưng đều có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị làng, xã để tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường. Trọng tâm Chương trình OCOP ở Việt Nam là phát triển sản nhiều công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bao gồm các thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất). Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. |