Nhắc đến ẩm thực vùng cao phía Bắc, người ta thường nghĩ tới các món ăn nổi tiếng như thịt hun khói, cơm lam, măng rừng, lợn cắp nách,… Thế nhưng, ở vùng đất này còn xuất hiện một món ăn đặc biệt được ví như đặc sản "trời ban" mà ít người biết tới, đó chính là rêu đá.
Rêu đá (tiếng Thái: ไก, Phát âm tiếng Thái: [kʰáj]; tiếng Lào: ໄຄ; tiếng Trung: 青苔藓; Hán-Việt: thanh đài tiển; bính âm: Qīng táixiǎn) là một món đặc sản của cộng đồng người Thái ở Tây Song Bản Nạp (Trung Quốc), Lào, Thái Lan và một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cùng với măng chua, thịt gác bếp, rêu đá là món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đón tiếp khách quý của người Thái cũng như người Lào.
Người Tày phân rêu đá làm 3 loại: phổ biến nhất là Quẹ, loại rêu mọc dài ở chỗ nước chảy, sợi cứng cáp màu xanh thẫm. Ngoài ra còn Quẹ Nhão, loại rêu ngắn hơn, sợi mềm mảnh mầu xanh nõn chuối và Quẹ Tàu, loại rêu mềm mịn mọc tại những vùng nước lặng không có đá. Có nơi gọi “Tàu quày” chỉ loại rêu xanh mướt, mọc bám vào gờ đá nơi thượng nguồn các con suối. Rêu đá gắn liền với cuộc sống của người Tày, người Thái, riêng ở hai xã Xuân Giang và Bằng Lang (huyện Quang Bình, Hà Giang) đây là món ăn truyền thống. Trong năm 2024, món rêu đá nướng của người Tày Quang Bình đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi Chấm món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ nhất.
|
Sau mùa mưa là đến vụ thu hoạch rêu đá. Thời điểm lý tưởng để hái rêu là vào sáng sớm, khi dòng nước còn trong lành, ít người qua lại |
|
Chị Hoàng Thị Miên và chị Đặng Thị Lả, người dân thôn Khun, xã Bằng Lang chia sẻ rằng, rêu đá là món ăn gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ, "Từ thời các cụ đã chế biến nhiều món ăn từ rêu đá rồi, những lúc khó khăn, có rêu đá để ăn là vui lắm" - chị Miên bồi hồi nhớ lại. |
|
Loại rêu mọc trên đá thượng nguồn không chỉ sạch mà còn giữ được độ mềm, vị thơm, bùi tự nhiên.Theo người Tày, rêu đá có công dụng lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp, tăng cường đề kháng. |
|
Làm sạch rêu là công đoạn quan trọng nhất cũng như mất nhiều thời gian nhất. Khi thu hoạch, phải vừa vớt vừa chọn lọc những loại rêu ngon, xanh tươi. Sau đó nhặt những lá khô, vỏ cây bám vào, tận dụng dòng nước chảy xiết để rửa trôi bụi bẩn. |
|
Rêu sau khi lấy từ suối được rửa sạch nhiều lần trong nước rồi bỏ vào cối giã để làm sạch đất bám ở rễ, sau đó rửa lại với nước cho đến khi rêu sạch hẳn. Đang vào mùa rêu nên số lượng người tới thôn để thưởng thức món rêu đá ngày càng tăng. Rêu được thu hoạch hằng ngày để đảm bảo độ tươi ngon. |
|
Rêu đá trở thành nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon nhưng nổi bật nhất vẫn là rêu đá nướng, đây cũng chính là món ăn đã được vinh danh tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ I. Rêu được xé tơi, trộn đều cùng sả, mùi tàu, rau răm, lá hẹ, hạt dổi, nêm nếm thêm gia vị, rồi gói bằng lá chuối để nướng bên bếp lửa. |
|
Lửa tốt, sau tầm 20 phút, món rêu nướng sẵn sàng để thưởng thức. Khi mở ra, hương thơm đặc trưng của rêu hòa quyện với gia vị làm nao lòng mọi thực khách. Ngoài rêu nướng, người dân Quang Bình còn sáng tạo thêm các cách chế biến khác như đồ rêu với thịt vịt, rêu nướng ống lam, rêu hấp, rêu xào, canh rêu, nộm rêu… Mỗi món đều mang một phong vị riêng, giản dị mà hấp dẫn. |
|
Rêu đá là một món đặc sản quen thuộc của những hộ người Tày ở Quang Bình. Với hương vị độc đáo, món ăn này đã vượt khỏi khuôn khổ bữa cơm gia đình để trở thành niềm tự hào của Quang Bình, thu hút bước chân của những tín đồ ẩm thực mỗi khi ghé thăm Hà Giang. |