Nguồn giống cho nuôi thương phẩm ngao vẫn còn dựa vào tự nhiên ở một số vùng sản xuất nên thiếu tính chủ động về chất lượng và số lượng - Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo từ Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới. Nếu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ giảm 12% so với cùng kỳ (126 triệu USD7 thì chỉ trong 11 tháng đầu năm 2024 kim ngạch này đã tăng 67% so với cùng kỳ với 195,3 triệu USD. Các đối tượng xuất khẩu chủ yếu là ngao/ nghêu, hàu, sò, vẹm. 10 tỉnh có sản lượng động vật thân mềm xuất khẩu nhiều nhất cả nước bao gồm Thanh Hoá, Bến Tre, Nam Định, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Tiền Giang, chiếm 97% kim ngạch.
Hiện có 36 công ty Việt Nam có sản phẩm nghêu xuất khẩu. Top 3 công ty lớn nhất gồm Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Thanh Hóa (HASUVIMEX) chiếm 24% tỷ trọng xuất khẩu, công ty Thủy sản Lenger Việt Nam chiếm gần 19% và
Công ty TNHH Minh Đăng chiếm gần 13%. Đa số các nhà máy chế biến nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu đều được trang bị công nghệ và thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững.
Trong số các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hàu là sản phẩm có tăng trưởng xuất khẩu đột phá trong năm 2023, với mức tăng 56% đạt trên 14 triệu USD, chủ yếu là hàu tươi, ướp lạnh. Trong đó riêng thị trường Đài Loan tiêu thụ trên 77% hàu xuất khẩu của Việt Nam với giá trị gần 11 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022. Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu hàu tươi ướp lạnh sang Lào, Campuchia, Nhật Bản...
Đối với rong biển, giá xuất khẩu mỗi kg rong biển từ Việt Nam đã có sự biến động đáng kể trong 10 năm qua. Năm 2013, giá là 3,72 USD/kg, tăng lên 13,46 đô la USD/kg vào năm 2014. Sau đó là mức đỉnh điểm là 20,71 USD/kg vào năm 2015. Tuy nhiên, giá đã giảm mạnh xuống còn 2,99 USD/kg vào năm 2016 và tiếp tục xuống còn 1,90 USD/kg vào năm 20178. Đến năm 2024, giá bán dao động từ 4,46 - 11,31 USD/kg.
Theo dữ liệu Xuất khẩu Việt Nam của Volza, Việt Nam đã xuất khẩu 3.563 lô hàng rong biển từ tháng 3 năm 2023 đến tháng 2 năm 2024 (TTM). Những lô hàng xuất khẩu này được thực hiện bởi 737 Nhà xuất khẩu Việt Nam tới 1.169 người mua, đánh dấu tốc độ tăng trưởng 32% so với 12 tháng trước đó. Trong giai đoạn này, chỉ riêng trong tháng 2 năm 2024, 244 lô hàng rong biển xuất khẩu đã được thực hiện từ Việt Nam (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023).
Một số doanh nghiệp lớn đã tham gia sản xuất và chế biến rong biển, một số doanh nghiệp trong nước cũng đã liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trồng và chế biến rong biển xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, tuy nhiên nhìn chung công nghệ chế biến sâu rong biển chưa phát triển, chưa so sánh được với các sản phẩm chế biến sâu của Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngành thủy sản Quảng Bình : Vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ Quảng Bình là một tỉnh tiếp giáp với biển, rất thuận lợi và có thế mạnh trong việc phát triển nuôi trồng, chế biến và ... |
Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỷ USD đến năm 2030 Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỷ USD, với sự công nhận ... |
Việt Nam tăng cường bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản đến năm 2050 Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản đến năm 2050, tập trung mở rộng ... |
Bên cạnh những kết quá đạt được cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nguồn giống cho nuôi thương phẩm ngao vẫn còn dựa vào tự nhiên ở một số vùng sản xuất nên thiếu tính chủ động về chất lượng và số lượng. Nguồn giống tự nhiên chỉ có ở một số vùng nhất định nhưng thiếu sự quản lý, khai thác hợp lý nên đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Giống ngao, hàu có dấu hiệu thoái hóa, dẫn chậm lớn, tỉ lệ thịt/vỏ thấp dẫn đến giảm sản lượng thu hoạch và tiêu thụ gặp rất khó khăn. Sản xuất giống chỉ tập trung ở một vài địa phương. Các tỉnh nhập con giống gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng. Nhiều cơ sở sản xuất giống chưa được cấp giấy Chứng nhận cơ sở sản xuất.
Cũng như các loài thuỷ sản khác, cây giống là chìa khoá để nuôi trồng rong biển thành công và bền vững. Chất lượng cây giống càng trở nên quan trọng hơn trong điều kiện môi trường canh tác bị suy giảm như nhiệt độ nước biển tăng. Tuy nhiên, chất lượng giống rong đang ngày một suy giảm do đa số giống rong được tạo thành bằng phương pháp nhân giống sinh dưỡng từ rong trưởng thành. Việc nhân giống sinh dưỡng lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng thoá hoá giống, làm giảm khả năng tăng trưởng của rong, giảm chất lượng rong khi thu hoạch và rong dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, sự thoái hoá chất lượng giống của rong có thể thúc đẩy sự ra đời của các loài hoặc kiểu gen không phải bản địa, gây rủi ro cho đa dạng sinh học và an toàn sinh học.
Mật độ nuôi ngày càng gia tăng dẫn tới phá vỡ quy hoạch nuôi và hiện tượng ngao chết hàng loạt; vị trí một số điểm nuôi hiện đang nằm chồng lấn quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp, gây ảnh hưởng cho sự phát triển; quy hoạch một số tỉnh không còn diện tích cho rong biển. Suy giảm chất lượng môi trường nuôi do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Độ đục, mức dinh dưỡng, sự nở hoa của thực vật phù du, biến động nhiệt độ, độ mặn đều là những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển thành công của vùng trồng rong biển. Do đó, chất lượng nước suy giảm ở nhiều vùng ven biển do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và công nghiệp từ đất liền cũng là mối đe dọa đối với nghề trồng rong biển hiện tại và tương lai, do làm tăng độ đục, ô nhiễm bởi kim loại nặng và các chất ô nhiễm hữu cơ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của rong biển và có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm do dư lượng kim loại nặng tồn dư trong rong (do rong biển có khả năng hấp thụ kim loại nặng cao).
Nhiệt độ nước biển và mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu cũng làm giảm sự phát triển của các loài rong biển. Ngoài ra, tần suất xuất hiện các cơn bão cùng với lượng mưa lớn cũng tác động không nhỏ đến hoạt động trồng rong biển. Nguy cơ phơi nhiễm với một số mối nguy an toàn thực phẩm nhất định từ rong biển có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu (Từ năm 2015 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rong bị gãy dập; tình trạng cá dìa ăn rong tại các khu vực trồng rong ven bờ nên diện tích trồng và sản lượng rong ngày càng giảm rõ rệt tại Ninh Thuận).
Các vùng nuôi nhuyễn thể ở bờ biển nước ta hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng bão gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao; vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài, nên đã gây bất lợi cho việc phát triển nuôi ngao. Hiện tượng ngao chết hàng loạt thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm, những tháng khác trong năm vẫn có hiện tượng này nhưng ít xảy ra hơn. Sự thay đổi về nhiệt độ, độ mặn, chất lượng nước kém là những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng ngao chết hàng loạt ở nhiều địa phương trong thời gian qua.
Về thị trường tiêu thụ: Thị trường tiêu thụ của sản phẩm ngao nuôi và giá cả không ổn định. Nhu cầu thị trường còn rất lớn cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; quản lý điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Công nghệ chế biến đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường nhập khẩu; nhiều vùng thu hoạch chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Nhiều nơi, nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỉ lệ thịt/vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất khó khăn.
Đối với rong biển, mặc dù rong biển có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng tỷ lệ người dân sử dụng rong biển như một nguồn thực phẩm hàng ngày trong bữa ăn chưa nhiều. Niềm tin của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm trong nước chưa cao, cùng với tâm lý “sính ngoại” cũng là một trong những trở ngại lớn để ngành rong biển phát huy tiềm năng sẵn có trong tương lai. Hoạt động truyền thông đến người tiêu dùng trong và ngoài nước chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, sản phẩm chế biến của rong biển còn đơn giản, hạn chế nên chưa hấp dẫn được thị trường tiêu thụ nội địa.
Do ngành trồng rong biển chưa được quy hoạch, thiếu đồng bộ nên sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Người trồng rong chủ yếu bán sản phẩm thô sơ cho thương lái và rong biển qua nhiều bên trung gian mới đến được với doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng. Do đó, chi phí sản phẩm bị tăng cao do chi phí trung gian.
Bên cạnh đó, giá rong biển còn thấp và thường xuyên biến động, giá xuất khẩu bấp bênh do biến động tỉ giá hối đoái và sự bất ổn của các thị trường cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và thu nhập của các thành phần tham gia chuỗi sản xuất rong biển, đặc biệt là người nông dân. Công tác nghiên cứu bệnh và môi trường nuôi còn chưa theo kịp với đòi hỏi thực tế sản xuất, thậm chí một số bệnh chưa có biện pháp điều trị. Cảnh báo môi trường dịch bệnh đã có, song do nguồn lực còn hạn chế nên tại một số thời điểm chưa kịp thời, dẫn đến vẫn còn hiện tượng nghêu chết hàng loạt ở nhiều nơi.
Công nghệ thu hoạch, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch: nhiều nơi, nhiều vùng nuôi thu hoạch thủ công, chưa áp dụng được công nghệ mới nên hiệu quả thấp, hao hụt và chất lượng sản phẩm không bảo đảm, dẫn đến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nhuyễn thể và rong biển là hai lĩnh vực có tiềm năng to lớn để phát triển trong thời gian tới. |
Phát biểu tại hội nghị "Phát triển sản xuất nhuyễn thể và rong biển" diễn ra sáng 26/12/2024, tại Nam Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: sản lượng đạt 9,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD. Riêng đối với nhuyễn thể, sản lượng nuôi đã đạt gần 480.000 tấn, rong biển hơn 150.000 tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho ngư dân ven biển nói chung, nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, hồi sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Theo đó, "đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh hiện nay", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhuyễn thể và rong biển là hai ngành hàng có tiềm năng to lớn để phát triển trong thời gian tới, đã có "đường dẫn" ra thị trường nước ngoài, hệ sinh thái rất đầy đủ, quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ, doanh nghiệp, người nuôi, tuy nhiên sự liên kết chưa chặt chẽ lắm.
Chính vì vậy, thời gian tới, Cục Thủy sản ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, cần kết nối các đơn vị liên quan như: Cơ quan quản lý Nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp và người nuôi... Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Các viện, trường chú trọng đến khoa học công nghệ, làm sao để bắt kịp nhu cầu thực tiễn; doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cập nhật kiến thức quản lý, thông tin thị trường; địa phương triển khai các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan đến thủy sản...
Đồng thời, tiếp tục giải quyết bài toán con giống; chú trọng đến công tác thú y, phòng chống dịch bệnh gắn với an toàn sinh học; mở rộng hợp tác quốc tế; nghiên cứu các phương thức nuôi phù hợp...