Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung vào việc mở rộng quy mô các khu bảo tồn biển hiện có và thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia và cấp tỉnh - Ảnh minh họa. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này là bước đi quan trọng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời khai thác hợp lý, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ tập trung vào việc mở rộng quy mô các khu bảo tồn biển hiện có và thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đồng thời, kế hoạch cũng nhấn mạnh việc giảm cường lực khai thác thông qua điều chỉnh số lượng tàu cá, chuyển đổi nghề và ngư cụ khai thác ảnh hưởng đến môi trường sang các phương thức thân thiện hơn. Việc phát triển khu cư trú nhân tạo cho loài thủy sản biển cũng được ưu tiên, đặc biệt là tại vùng biển ven bờ và khu vực miền Trung từng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường năm 2016.
Kế hoạch cũng xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư cho các dự án. Cụ thể, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu bảo tồn biển hiện có sẽ được ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là các khu bảo tồn biển cấp quốc gia và cấp tỉnh thành lập mới. Đối với các dự án đầu tư hình thành khu cư trú nhân tạo, vùng biển ven bờ và các khu vực chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường sẽ được ưu tiên.
Một số dự án trọng điểm được nêu tên trong Kế hoạch, bao gồm: điều chỉnh ranh giới, diện tích khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quốc; thành lập mới khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, Bái Tử Long...
Kế hoạch nhấn mạnh việc huy động đa dạng nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư tư nhân đến các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên sử dụng cho việc thành lập, đầu tư và quản lý các khu bảo tồn biển, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đặc biệt chú trọng đến việc phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường trong khai thác thủy sản. Chính phủ sẽ đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác; giám sát môi trường sống của các loài thủy sản.
Để đảm bảo Kế hoạch được triển khai hiệu quả, Quyết định yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bên tổ chức thực hiện Kế hoạch.