![]() |
Nông dân huyện Hoà An đã tăng thêm thu nhập và tăng hiệu quả sử dụng đất từ trồng khoai tây vụ đông. |
Trên địa bàn huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, người dân chủ yếu sản xuất gieo trồng 2 vụ (vụxuân và vụ mùa), việc tổ chức sản xuất vụ đông rất hạn chế. Trong mấy năm trở lại đây, huyện Hoà An đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt vụ đông, đặc biệt là cây khoai tây giống Marabel với diện tích lớn nhất toàn tỉnh, hàng năm đạt trên 50 ha, sản lượng đạt 850 tấn, được trồng tại địa bàn các xã: Hoàng Tung, Hồng Việt và thị trấn Nước Hai.
Theo ông Nông Mùi Thượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòa An, cây khoai tây là cây có giá trị kinh tế cao so với một số cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích, thời gian sinh trưởng ngắn, không cạnh tranh thời vụ với cây trồng khác, phù hợp với điều kiện thâm canh của địa phương. Việc phát triển cây khoai tây vụ đông là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho nông dân.
Để áp dụng khoa học kỹ thuật, duy trì và mở rộng sản xuất, huyện Hoà An đã tổ chức 2 lớp dạy nghề sản xuất cây khoai tây tại xã Hồng Việt, triển khai hỗ trợ sản xuất thuộc các nguồn vốn Chươngtrình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất triển khai các mô hình trồng khoai tây giống mới. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Hoà An đã hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm khoai tây thương phẩm, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Dương Hoàng Viên, Trưởng xóm Bình Long, xã Hồng Việt cho biết, xóm Bình Long có 152 hộ thì có 90 hộ trồng cây khoai tây vụ đông. Trồng khoai tây vụ đông đã tranh thủ được lao động nông nhàn, không tốn nhiều công chăm sóc, có đơn vị thu mua sản phẩm, nên không lo đầu ra. Giađình tôi hàng năm trồng khoai tây vụ đông trên diện tích 580 m2 đất canh tác, sau gần 3 tháng trồng cho thu hoạch trên 1 tấn củ, trừ chi phí thu lãi gần 9 triệu đồng.
Phát triển sản xuất cây khoai tây vụ đông giúp nông dân tăng hiệu quả sử dụng đất, có tác dụng bảo vệ môi trường, làm tăng khả năng độ phì nhiêu của đất, đất canh tác tơi xốp hơn, có tác dụng làm tăng năng suất cho cây trồng vụ sau và giảm sâu bệnh hại, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư phân bón cho cây trồng sau cũng được tiết kiệm hơn. Đồng thời giảm tình trạng bỏ hoang, lãng phí đất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất vụ đông, tăng thêm thu nhập cho người sản xuất.