OCOP mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn - Ảnh minh họa. |
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đang ngày càng chứng minh sức sống mạnh mẽ, góp phần tạo nên những sắc màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế nông thôn Việt Nam. Với hơn 7.800 sản phẩm được công nhận trên cả nước, OCOP không chỉ mang lại doanh thu ấn tượng hơn 200.000 tỷ đồng mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Nhiều địa phương đã chủ động áp dụng mô hình kinh tế kép, kết hợp linh hoạt các hình thức sản xuất để tối ưu hóa sử dụng đất và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như trồng xen canh, luân canh không chỉ giúp tăng năng suất, giảm thiểu dịch bệnh mà còn góp phần cải thiện chất lượng đất, bảo vệ môi trường. Mô hình trồng xen cây củ ấu với cây lúa tại Đồng Tháp là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của sự sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ phương pháp này, năng suất lúa vụ sau tăng lên đáng kể. Huyện Lấp Vò hiện có 150 ha củ ấu được trồng xen canh với lúa, sản lượng đạt khoảng 450 tấn mỗi năm. Củ ấu Lấp Vò cũng đã được UBND huyện hướng dẫn các thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao, mở ra cơ hội vươn xa hơn cho sản vật địa phương.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, người nông dân cũng đã có những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất. Họ không còn thụ động chờ đợi mà chủ động tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tinh thần năng động, sáng tạo của người nông dân chính là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chương trình OCOP.
Du lịch cũng được xem là một kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả. Việc kết hợp phát triển du lịch với kinh tế nông nghiệp đang được nhiều địa phương quan tâm đẩy mạnh. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP đang phát triển sôi nổi, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản, đồng thời tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Các điểm du lịch nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) cũng được tận dụng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến với du khách trong và ngoài nước. Hiện Cần Thơ có 92 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 - 4 sao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Để chương trình OCOP tiếp tục phát triển và lan tỏa, việc đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người nông dân là vô cùng cần thiết. Các chương trình đào tạo cần tập trung vào kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh, quản lý và tiếp thị để người dân có thể tự tin hơn trong sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân và quê hương.
OCOP không chỉ là một chương trình phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là một động lực quan trọng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người dân, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và người dân, chương trình OCOP sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2024: Giao thoa truyền thống và hiện đại |
Thái Nguyên: "Lột xác" cho hạt gạo |
OCOP Hà Nội: Hành trình nâng tầm giá trị làng nghề |