![]() |
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13 hợp tác xã tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ - Ảnh minh họa. |
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13 hợp tác xã tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với các mặt hàng chủ lực như rau an toàn, nấm, mật ong, dược liệu và đông trùng hạ thảo. Một số hợp tác xã còn mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.100 ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã có 5 đơn vị được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có những mô hình tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (TP Thanh Hóa) với mô hình sản xuất rau ăn lá và dưa lưới công nghệ cao; trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân (Yên Định) chuyên canh bưởi Diễn hữu cơ; hay các nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, Đầm Hương, nếp hạt cau Sồi Cốc (Thạch Thành).
Các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nhờ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt và ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm của họ luôn đảm bảo sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ và được thị trường đón nhận tích cực.
Nhận thấy tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án "Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030" nhằm thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt 0,8 - 1%, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ chiếm 1- 1,5%, nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 1 - 1,2%...
Việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân so với phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm đất, nước và không khí.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều thách thức, như nhận thức của người dân còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá thành sản phẩm còn cao. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.